Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Mười 22nd, 2018

Chuối trổ buồng

Trần Bảo Định

1.
Má mất trước hòa bình.
Ngày về, tôi nghe chòm xóm kể lại: ”Mảnh đạn pháo ”mồ côi” từ căn cứ Đồng Tâm bắn đã cắt lìa sự sống của má tôi!”. Ngôi nhà ba gian, hai chái lợp lá dừa nước thuộc mấy đời người, giờ chỉ còn lại mớ tro tàn bay tứ tán. Lần hồi, xóm giềng giúp tôi dựng lại ngôi nhà trên nền đất cũ, cái nền đất mơ ước hòa bình, và thấm máu mẹ tôi.
– Bảy! Dựng nhà xong, cháu nhớ trồng chuối lập vườn, nha!
Bác Hai nhắc. Chắc là bác sợ tôi quên.
Tôi nói trả treo:
– Trồng chuối cũng chỉ là cách nuôi ma quỷ. Người ta nói: đêm đêm nó hiện về kêu, tiếng kêu khóc rợn người!
Bác cười sặc sụa, buông thòng một câu:
– Ngày trước, má cháu muốn biến khu đất vườn tạp nầy thành vườn chuối!
Bồi hồi, tôi nhớ lại.
Bến nước nhà tôi ngó qua bên kia là doi đất Hốc Đùn (1) giữa đôi bờ sông Bảo Định. Sanh thời, má tôi thích trồng cây chuối, mặc kệ người ta hay chê bai: trồng chuối là ”trồng chúi nhủi” (!?). Có lần má nói: ”Hòa bình, má sẽ lập vườn trồng chuối, và chuối đó phải mang thương hiệu ‘Chuối Bến Chùa’!
– Chuối có nhiều giống. Vậy, má dự định trồng giống chuối nào?
Tôi hỏi, má chợt cười: ”Giống chuối nào má cũng trồng, không phân biệt”.
Má giải thích:
– Tùy đất chọn giống, không thể tùy giống chọn đất.
Rồi, má nói thòng câu: ”Con người ta thì cũng vậy, thôi! Tùy việc chọn người, không thể tùy người chọn việc”.
Lát sau, má nói chắc cứng:
– Xẻo đất vàm Bến Chùa được bồi lắng bởi phù sa hỗn dung từ hai dòng sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây, nên có khả năng giúp các giống chuối nhanh chóng phát triển, tươi tốt.
Giờ thì, tôi thực hiện điều mong ước của má!
Giống chuối cao đòi hỏi không gian, giống chuối lùn thì không. Buổi trưa bóng đứng, tàu lá chuối buồn rũ nắng. Bâng khuâng, tôi nhìn đọt và búp chuối chênh vênh phơi cái noãn nà, khiến kẻ chặt lòng cũng không thể không là khách tình si. Buộc miệng, tôi ngâm nga:

Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu, gượng mở xem (2).

Những bông chuối lay động; tiếng xạc xào nửa như hớ hênh, nửa như khép nép run rẩy rụng cuống hoa. Nhớ và thương má tôi, người trở thành thiếu phụ trong những ngày đầu binh lửa qua làng. Mắc võng dưới tán cây vú sữa, tôi đọc đi đọc lại ”Suối về Hoa Nghiêm” (3), và từ nơi sâu thẳm của đứa con đã lên tuổi lão, tôi trào dâng niềm xúc cảm, bởi:

Mẹ mãi muôn đời mẹ của con
Dù Nam Hải cạn Thái Sơn mòn
Trái tim in bóng THỜI mơ MỘNG
Tuổi ngọc ngà vương nét lệ son

mà thi sĩ Trần Quê Hương đã vắt máu tim mình dệt thành những vầng thơ về Mẹ!
Trong tâm tưởng, tôi nghe tiếng róc rách của suối, tiếng gọi rạt rào về cõi HOA NGHIÊM bằng những trang kinh quý báu cho người. Bỗng dưng, tôi nhớ chuyện nhà:
” – Trời khuya rồi đó, con!
Má nhắc tôi.
– Dạ!
Dòng sông quê bàng bạc trăng sương.
Tôi lững thững bước qua thềm cửa, hình như bóng trăng lẽo đẽo theo sau níu gót chưn. Tôi ngoái lại, trăng xoay mặt về phía vườn chuối, và trăng xoải mình bơi ra vàm rạch Bến Chùa mênh mông nước.
– Con đi ngủ đây, má!
Nói là nói vậy, chớ thiệt ra, tôi nào có ngủ nghê gì được đâu. Bởi lẽ, trong tôi co cụm bao điều trăn trở, và dàn trải những dự phóng tương lai bất định của trai thời loạn: Chiến tranh!
Tiếng pháo gầm xa như tiếng sấm nổ của cơn mưa đầu mùa. Má tôi lụm cụm ngồi dậy.
– Bảy! Ngủ thức, con?
Nằm im, tôi giả đò ngủ.
– Cái thằng nầy, thời giặc giả mà mới đó đã ngủ say rồi!
Má cằn nhằn, sự cằn nhằn pha lẫn tiếng thở dài ngao ngán bom đạn.
– Xuống tảng-xê, nhanh lên, con!
Má lay chưn tôi theo nhịp thúc giục.
Tiếng súng nổ như bắp rang ở hướng cầu Bến Chùa ”.
Hoàn cảnh cũ tuy đã xa lắc xa lơ, nhưng tôi không thể nào quên và cũng không thể nào không nhớ đoạn thơ trong bài thơ ”Mười năm con lớn” của ông:

Con nhớ mỗi lần nghe súng, mõ
Đầu đàn ngoại gọi ”Dậy con ơi!”
Dậy liền xuống đất chun hầm trốn
Lo lắng nằm run…vái Phật Trời

Và, đêm thổ huyết trăng vàng úa, tật nguyền trên quê hương tôi!

2.
Vườn chuối mượt xanh, cây chuối đã ba mùa trổ bông kết trái thành buồng trên mảnh đất từng bị đạn bom chà đi xát lại và nay, vẫn còn phảng phất mùi thuốc súng. Tôi giật mình, ngậm ngùi khi đọc thơ ông:

Nước nhà gặp thuở can qua
Chiến chinh máu lửa chan hòa lệ dân
Vì tình chung gác tình thân
– Em ơi! Hãy nhớ duyên trần trăm năm…

Lời người ra đi dặn dò người ở lại, và người ở lại cũng dặn dò người ra đi: ”Mau về, con khóc đợi chàng đó nghen!” trong ”mắt đẫm châu tràn” tiễn ”người đi tận mù tăm sương ngàn…”. Những câu thơ mang nội hàm bình dị không hẳn là bình dân, rất dung dị đời thường đã rót vào lòng người đọc sự thổn thức không thể cưỡng lại.
Chàng thi sĩ – đứa con yêu dấu của rạch Bến Chùa, vùng đất đã từng nổi tiếng mận Hồng Đào một thuở – đã y bát đi khắp nẻo đường quê hương, và chàng gửi lại ”Suối về Hoa Nghiêm” với hai khúc đoạn: ”Tình ca 25 năm”, ”Cây Tùng – Phương Hồng Cỏ và Biển Khơi”. Tôi thẫn thờ nhìn bông hoa chuối màu tím trước cơn gió dữ tạo tiếng gió xé lòng tử biệt:

Con gái hai mươi thành thiếu phụ
Khóc tình chưa cạn lệ chia ly
Rồi nay lại khóc thân đơn lẻ
Anh hỡi! Sao mà vội sớm đi?

Phận người trong kiếp trầm luân chìm bể khổ, và ông đã ngộ ra từ cái giác nơi trái tim tinh khôi khi bước vào tuổi mười ba. Dưới bầu trời xanh và mây trắng, ông mất cha rồi mất mẹ, thân côi cút nương tựa ngoại… những ngày! Ông tìm về… Về HOA NGHIÊM bằng tất cả tấm chơn tình tận hiến.
Đêm đồng bằng xuống nhanh như cố xua đuổi ngày. Trăng – Trời trong thể trạng Trời – Trăng, và nếu vì một lý do nào đó, Trời – Trăng thiếu Mây – Nước, thì Trời – Trăng kia cũng chẳng còn ý nghĩa gì đối với thế gian. Mẹ tạo con và con thì không thể tạo mẹ. Tôi đã đọc thơ thi sĩ Trần Quê Hương cho bác Hai và bà con trong xóm cùng nghe. Thơ của ông chẳng khác nào ban mai mồi nắng, truyền ấp áp và quang hợp sự sống. Đó là điều cảm nhận không riêng gì bác Hai mà của cả mọi người. Với thiên hạ, chẳng xa lạ gì ông; với người Mỹ Tho dưới mái tịnh xá Ngọc Tường trong chiến tranh hay hòa bình, thì ông mãi mãi vẫn là người thân ruột rà. Người ta trọng ông vì cái nghĩa, mến ông bởi cái tình, thương ông từ cái chất phác, hồn hậu và nhứt là, ông cúi mình xuống nâng mọi người giác ngộ cái cần giác ngộ trong cõi vô thường. Vì vậy, thơ ông không cần dụng công chắc lọc chữ gọi là sang hoặc hàn lâm mà vẫn đi vào lòng người đọc sự nhẹ nhàng, tinh tế như lời ru của mẹ, như câu hò, câu ca dao thấm đượm tình quê.
Tôi nói nhiều về thơ ông, có lẽ do chủ quan và cũng có lẽ do đồng cảm. Song, phải thú nhận rằng, tôi không cầm được nước mắt khi chạm vào thơ ông viết về Mẹ!
Mẹ ông hay mẹ tôi, hoặc bất cứ bà mẹ nào trong thế gian nầy, chắc đều có cùng mẫu số chung là ”banh da xé thịt” đẻ con! Ông bộc bạch tâm tình:

Hỡi ơi! Rêm nhức cùng da thịt
Mẹ lại vì con cam chịu mà

cho tới lúc ông chào đời:

Vừa ra lòng mẹ oe oe khóc
Tiếng khóc con xua hết tủi hờn!

Tự dưng, tôi liên tưởng cây chuối vườn nhà – chỉ là chúng sinh – ; vậy mà nó cũng phải trải qua thời khắc ”banh da xé thịt” để trổ buồng; đồng thời cho ra đời mầm sống mới, gìn giữ giống nòi! Tôi đã nhớ ra, có lần bác Hai chỉ vẽ:
– Chuối chỉ trổ buồng về đêm!
Tôi hỏi: ”Vì sao?”. Thong thả, bác nói chậm rãi:
– Đêm càng sâu, không khí càng lạnh, nhứt là dưới phần gốc chuối và từ đây, cái lạnh truyền khắp thân cây. Thân cây chuối run bần bật và phát tán thanh âm ”nghiến ken két” .
Rồi, bác nói người yếu bóng vía, nghe thanh âm đó giữa đêm khuya khoắt cũng có thể điếng hồn, chết giấc.
Tôi ê răng. Bác cười:
– Đó là, tiếng kêu rên của bẹ bắp chuối đang lúc bung quài chuối non chào đời!
Tôi xẻn lẽn, nhận ra cái ngớ ngẩn:
– Vậy mà, cháu…
– Cháu tưởng rằng: trồng chuối là nuôi ma quỷ!
Bác đỡ và nối lời tôi.
*
Chết ngất đôi giờ cho con mẹ
Lọt lòng ra khỏi bến tình nhau

Câu thơ của ông đã gợi trong tôi hình ảnh chẳng khác gì buồng chuối non bung ra khỏi bẹ bắp, thật kỳ lạ – mà cũng rất kỳ diệu! – mơ hồ tựa người chui ra, và không rõ bắp chuối lấy nước trong vắt ở đâu mà nhễu thành giọt… thành giọt giống như nước ối của mẹ sanh con. Cái ”bến tình nhau” của thi sĩ là mối dây vi diệu cột chặt tình mẫu tử phải đạo làm người. Tôi thương cảm thi sĩ như tôi thương cảm tôi, bởi thi sĩ và tôi, cả hai đều không còn cha mẹ, để:

Đêm đêm thắp ngọn đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con (Ca dao).

Trong vòng đời nghiệt ngã, thi sĩ đã tự giác nhi giác tha:

Phải tự lòng mình trau luyện lấy
Tự mình thức tỉnh trước đời mình
Trăm năm hồ dễ ai còn thấy
– Sinh giả danh hề, tử giả sinh?

Đêm tàn. Trời sáng hửng, và thi sĩ đã:

Giã từ nhân thế trần gian giả
Năm tháng phiêu bồng thoảng tháng năm.

3.
Thực tại, người ta thường ngộ nhận bịnh ”chùn đọt chuối” với bông hoa chuối, nó giống nhau mà không phải nhau. Bông hoa chuối màu tím, thiên hạ hay gọi: ”Màu tím buồn châu thổ” vì thương nhớ mẹ. Cây chuối trổ bông sau hơn nửa năm hoặc cả năm trồng. Bác Hai dặn tôi không được cắt tỉa lá xung quanh bông chuối. Bác nói: ”Dưới ánh nắng mặt trời, lá bảo vệ bông chuối”.
Thiên nhiên tuyệt diệu!
Cái tuyệt diệu của thiên nhiên là: Cây chuối cần nước. Mất nước, cây chuối khô héo, lụn tàn và chết. Nhưng, nếu nước ngập tràn gây úng thì cây chuối không thể sống. Sự cân bằng môi sinh nó quan trọng biết dường nào. Vả lại, cây chuối cần và đủ không gian sống, chất lượng sống trên vùng đất vốn trù phú, phù sa màu mỡ của đồng bằng sông Cửu Long.
– Đừng tiếc chồi nhỏ dù rất nhiều, cháu hãy mạnh tay chặt bỏ.
Bác Hai khuyến cáo và biểu tôi chọn để lại một chồi vượt trội hơn các chồi khác. Bác nói: ”Đó là cách tốt nhứt giữ cho cây khỏe mạnh và buồng chuối trĩu trái, thơm ngon”!
Quê tôi, thường hay gọi buồng là nải. Thực tế trái chuối ra nải treo, nải treo thành tầng, mỗi tầng gọi là nải, mỗi nải có nhiều trái và các nải gọi chung là buồng chuối. Khi bông chuối thu hẹp cánh, buồng chuối lồ lộ trên quài thì tôi cắt bỏ những phần thừa cây chuối. Có lẽ, một câu thơ, một bài thơ hay tập thơ chắc là cũng vậy thôi, và thi sĩ Trần Quê Hương đã làm được điều đó một cách tinh tuyển hết sức tự nhiên đối với thi phẩm ”Suối về Hoa Nghiêm”!
Bắp chuối, chính là bông đực và bông đực, không khả năng sinh sản nên người ta phế bỏ. Khi lá cây chuối bắt đầu rụng và chóp bông nhỏ trên đầu trái chuối khô héo là lúc thu hoạch trái. Bác Hai chỉ chặt nhát dao giữa thân cây chuối, tôi làm chưa đúng, bác cằn nhằn: ”Đã biểu chặt chéo giữa cây phía đối diện buồng chuối”, và bác nói thêm: ”Uốn cong cây, rồi cắt buồng ”.
– Cháu nhớ giữ lại một chồi cây, nó sẽ thay cây mẹ ở ngày mai!
Bác Hai cẩn thận nhắc chừng tôi.

Đêm quê nhà.
Trăng Vu Lan bồng bềnh, đùn đục sương xứ sở. Nằm nghe tiếng chuối ”nghiến ken két” trở dạ ngoài vườn, tôi bâng khuâng trong nỗi cảm hoài ”Suối về Hoa Nghiêm” qua từng câu thơ thi sĩ Trần Quê Hương, và với tôi, đã quá đủ chất liệu làm nên trang sử thi về Mẹ thuần khiết tâm hồn Việt!
TBĐ.
…………………………………………….
(1) Nay là ấp 5, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
(2) Ba tiêu (cây chuối), Nguyễn Trãi (Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học Xã hội, 1976).
(3) Tuyển tập thơ : Suối về Hoa Nghiêm – Tặng phẩm dâng đời – Tâm hồng mười phương (trích), Trần Quê Hương, Nxb Tổng Hợp, 2015.

(more…)

Read Full Post »