Nguyễn Huỳnh
Xã tôi có nhà ông Sáu Lắm làm nghề thổi kèn đám ma, người ta gọi là đám nhạc hiếu, nghe nói cha truyền con nối đã mấy đời. Ông Sáu chơi đờn cò, ông Tám Của thổi kèn, chị Lọ đờn kìm, còn thằng Lượm bạn tôi đánh trống. Riêng đôi chũm chọe thì lũ nhỏ chúng tôi đứa nào thích thì ông cho theo mà chụp. Thỉnh thoảng tôi xin theo kiếm cái bánh.
Chị Lọ còn có cây đàn giutar nứt một đường ở mặt thùng sau, chị lấy dầu rái trét lại, như trét thúng chai. Nhà ông Sáu Lắm ở bãi Trước, nằm gần bãi cát cồn Đùi. Tối tối chị thường mang đàn ra ngồi trên cái thúng chai úp ở bãi cát rồi hát, tôi và thằng Lượm ngồi nghe.
Hồi ấy, với tôi thì chị là người hát hay đàn giỏi nhất. Tôi thích nghe chị hát bài “ Người em xóm đạo” rồi duỗi dài tưởng tượng theo những tan trường, hoa cài lên áo, từ giã lên đường và chinh chiến đời trai…Chị hát tới : “ Nhưng có ai đâu ngờ…” là mắt tôi cay cay.
Một người nữa cũng hát hay như chị Lọ là con Vân, nhưng lâu lâu mới xuất hiện. Nó ở Qui Nhơn, cháu ông Mười Lót. Mỗi lần con Vân về thăm ngoại là bãi biển trước nhà chị Lọ vang tiếng hát của nó đêm đêm. Tôi thích Vân hát bài “ Căn nhà ngoại ô “ chỉ để ra sức tưởng là nhà mình ở đâu đó ngoại ô Qui Nhơn luôn có hoa thơm trái hiền, cận kề lối xóm là nhà Vân! Tôi nghĩ tới cuộc chia ly, bước chân bi tráng của người con trai. Tôi nằm dài trên cát, vùi đầu vào cát sướng rơn lên khi nghe tới : “ Anh ơi, trái đất vẫn tròn, chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau!”, như lời nhắn nhủ của Vân cho tôi…
Hôm biết trước ngày mai Vân về lại Qui Nhơn, trong lúc chơi u quạ, tôi thừa cơ nắm tóc của nó nhổ lấy mấy sợi. Tôi cất mấy sợi tóc quí báu vào lọ thuốc ti phô đã hết, nâng niu như kỷ vật.
……………..
Chị Lọ nói với tôi :
– Có người ở dưới Vịnh Hòa muốn bán cây đàn guitar, mày có tiền không?
Tôi về xin Ba tôi. Ông nói :
– Con không thấy ai đàn địch đều bị đui à ?
– Sao vậy Ba ?
– Ông Sáu Lắm bị dây đàn đứt văng trúng mắt bị đui đó.
Tôi ngờ ngợ, không tin. Tôi nghỉ tới cái hủ dít của chị tôi.
Chị tôi có cái hủ dít dấu trong buồng dưới gầm giường đầy tiền. Chị đan lưới mướn cho những người đánh cá. Lâu lâu tôi lén cạy vài đồng cắt. Sở dĩ tôi biết cái hủ dít có đầy tiền là bởi hôm rồi tôi cạy thế nào bị mẻ một miếng trên miệng. Tôi vội lấy dầu rái trét lại, nhưng màu dầu rái lộ quá rõ trên màu đất nung của hủ dít. Tôi lấy sơn đỏ của anh tôi trét lại thì lại màu sơn loang lổ không cùng màu, vậy là tôi trét hết cái hủ dít, trông nó đỏ hơn nhưng tôi hy vọng trong tối chị tôi không phát hiện ra.
Mấy ngày sau tôi thủ sẵn cái mo cau, nhưng chị tôi vào buồng rồi trở ra không thấy phản ứng gì. Hú hồn, tôi mừng nhưng chợt nhận ra một điều mà tôi phải tự cú vào đầu một phát : Trong lúc vội vàng tôi đã quên không lấy một đồng nào khi mà miệng cái hủ dít toác hoác!
Lần này tôi cũng lấy ống màu đỏ của anh tôi, gỡ miếng mẻ trên miệng nhón đúng số tiền cây đàn, trét sơn trở lại.
…………….
Tôi gặp chị Lọ, chị bảo :
– Trưa rồi, sợ qua bển trễ đò về.
Nhưng thấy vẻ mặt tiu nghỉu của tôi chị đồng ý đi. Tôi và chị xuống chuyến đò cuối chạy dài qua đầm Cù Mông tới Vịnh Hòa sát gần cửa biển. Tôi ngồi trên mũi ghe, buông hai chân xuống nước, nhấp nhô trên sóng, nhún nhẩy gào mãi một câu: “ Ngựa phi đường xa tiến lên đường lên đường cát trắng trắng xóa!”
Cây đàn cũ, nhưng còn chắc chắn. Dây đàn đã bị gỉ sét. Nghe nói chủ nhân là người đã chết khi đi biển, trong nhà không ai biết đàn nên rao bán. Thấy chúng tôi lặn lội từ xa, chủ nhà làm già không chịu bán, đòi thêm ít nữa. Tôi muốn khóc, buột miệng :
– Sao không nói trước để lấy thêm !
Chị Lọ nhìn tôi, tôi vội thanh minh :
– Là … để xin thêm.
Đã chiều, không có đò về. Không mua được cây đàn. Tôi và chị ngồi thẫn thờ trên cát, nơi bến đò. Tôi chảy nước mắt, nhìn nắm tiền tội phạm trên tay mà tiếc cho quá trình tráo long đổi phụng rất đỗi kỳ bí trên cái hủ dít của chị tôi.
Chị Lọ bảo tôi đưa tiền cho chị, xong chị đi vào xóm. Lúc sau chị đi ra với cây đàn trên tay và mấy cái bánh tai vạt. Tôi mừng hết lớn hỏi như reo :
– Chị làm sao mua được vậy?
Chị cười không nói. Sau này tôi mới biết chị bỏ thêm tiền.
Tôi và chị ngủ qua đêm nơi bãi biển Vịnh Hòa. Đêm đó tối trời. Những ngọn đèn Măng xông được thắp lên từ các dàn rớ cứ như xếp hàng trên mặt đầm Cù Mông, kéo dài từ Nhà Ngòi tới Mò O. Đêm rất yên tĩnh, tôi nghe rõ tiếng kẻo kẹt phía xa khi người ta cất rớ, tiếng gõ nhịp đuổi cá của những chiếc sõng con, tiếng sóng ì ầm va vào ghềnh đá ngoài cửa biển.
Tôi và chị nằm trên cát. Chị chỉ cho tôi các ngôi sao làm thành hình đất nước Việt Nam trên bầu trời, chị nói :
– Chỗ eo có hai ngôi sao lớn lên phía trên là của Việt Cộng.
– Sao to rộng vậy chị, nghe đồn bảy ông Việt cộng đeo cọng đu đủ không gãy mà?
Chị cười rung rung mặt cát.
Một trái pháo sáng bay vút lên từ đồi Đại Hàn, đồng thời một ngôi sao xẹt ngang bầu trời. Chi nói :
– Trong lúc sao sa mà kịp cầu mơ ước điều gì sẽ rất linh.
– Chị mơ ước điều gì?
– Làm ca sĩ như Khánh ly.
Nói rồi chị đàn và hát, tóc chị bay bay làm rối cả những ngôi sao phía chân trời. Và rồi, trên bãi biển hoang vắng đó, vào một đêm xa lắc nào đó, có một thằng nhỏ mơ về cô láng ghiềng, những hẹn hò và bước chân oai linh người lính…
………………
Chị tôi hỏi :
– Tiền ở đâu mà mua đàn?
– Đàn người ta cho.
– Dóc ! Tao nghe con Lọ nói mày với nó đi mua. Tao nghi lắm !
Chị tôi đi thẳng vào buồng, cầm cái hủ dít bước ra sáng săm soi. Sau chị gỡ miếng mẻ trên miệng rồi từ từ nhìn tôi, mắt như lọt ra khỏi tròng. Chị hầm hầm đi ra sân, đập mạnh cái hủ dít, rồi nằm giãy đành đạch như người trúng phải gió giữa những đồng tiền và mảnh vỡ. Tôi đứng như trời trồng, tim ngừng đập. Chị tôi hét một tiếng to như Trương Phi đầu cầu Tràng Bảng, bật dậy như Phù Đổng Thiên Vương, quơ cái chổi xương tru tréo rượt đuổi tôi cùng làng cuối xóm…
Tôi gửi cây đàn ở nhà chị Lọ, sợ chị tôi đập mất. Chị dạy tôi đàn, nhưng cái giọng bò rống của tôi không hát được nên nên rất khó đệm đàn. Tôi nản chí, cứ nghe chị đàn hát mà hay hơn.
Tháng 4 năm 75, gia đình ông Sáu Lắm theo dòng người di tản vào Cam Ranh. Trước khi đi chị mang cây đàn trả cho tôi. Tôi cho chị luôn vì ngộ ra rằng mình không có năng khiếu đàn hát.
Gia đình tôi không đi, tôi hỏi, Ba tôi chỉ cười. Sau có người đón gia đình tôi lên ghe qua Hòa Lợi, thôn bên kia đầm đã “ giải phóng”. Khi bước lên bờ, Ba tôi được chính ông Đích, sau này làm công an xã, ra đón nồng hậu. Lúc đó tôi mới biết ba tôi là cộng sản nằm vùng! Ông ở tù mấy bận khi tôi còn chưa chào đời.
Ngày nghe gia đình ông Sáu Lắm hồi hương, tôi vui mừng chạy xuống nhà chị Lọ thì thấy bàn thờ của chị ở giữa nhà nghi ngút khói hương. Nghe thằng Lượm kể lại chị chết do bị pháo kích trên đường di tản, cây đàn của tôi cũng bể nát theo chị.
Tối đó, tôi ngồi một mình trên bãi cát trước nhà chị, cũng một đêm tối trời như đêm trên bãi biển Vịnh Hòa. Tôi nhìn trời, nước mắt làm nhòe các vì sao mang hình Việt Nam.
Tôi không biết có chàng trai nào đã kịp hát cho chị : “ … Nhưng ai đâu ngờ, một chiều mưa lộng gió, người em gái ra đi…” chưa.
Vĩnh biệt chị Lọ, vĩnh biệt ước mơ của chị trên bầu trời đầy sao nơi bãi biển năm nào, vĩnh biệt cây đàn guitar của tôi và chị…
Trích trong hồi ký B Ớ T U ỔI T H Ơ, V Ề Ă N C ƠM !
Chào huynh, viết hay lắm, rất cảm động, đặc biệt là đối với người đọc là được rồi, không cần nhiều! Hẹn gặp sau quynh. Thanks!
Mình thích những hồi ký nhẹ nhàng mà đọc cứ rưng rưng như thế này.
Tác giả viết hay , đọc xúc động.
Hồi ký hay.
Chuyện đọc thấy vui vui với thời tuổi nhỏ ngây thơ của cậu bé trong chu1ôi cảnh yện, nhưng đoạn cuối buồn muốn khóc tác giả ơi.
Anh Huỳnh có lối kể chuyện xưa rất hay, đọc để hiểu thêm nhiều bối cảnh của quê hương mình thời chia cách.
Cảm ơn chị. Thế chị không ở trong hoàn cảnh đó à ?
Tác giả chắc chơi đàn ghi ta hay nên viết truyện về chủ đề này rất xúc động
Biết nghe thôi bạn.
Like…. Giá mà trang web có nút like như face nhỉ
Trên face anh dữ dằn , mà sao ký lại hiền khô à.
Ha ha, dữ dằn gì đâu bạn. Chỉ chửi bọn cướp nước, bán nước thôi.
Cuốn hồi ký này đã in chưa bạn ơi?
Dạ, viết chơi thôi anh.
Hồi ký của anh Nguyễn Huỳnh dễ thương quá . Viết gần gủi mà cảm động .
Chuyện ai cũng trải qua, nên thấy cảm động và gần gũi
Chị tôi hét một tiếng to như Trương Phi đầu cầu Tràng Bảng, bật dậy như Phù Đổng Thiên Vương, quơ cái chổi xương tru tréo rượt đuổi tôi cùng làng cuối xóm…
Toi thich van cua tac gia Nguyen Huynh.
Hay lắm, thưa tác giả. Có nụ cười, có nước mắt, có đất nước một thời…và có cả lung tung, trắng đen mờ tỏ! Người chủ cây đàn chết, cây đàn vỡ tan, tương lai không có…Thương biết bao!
Vâng, thương lắm tuổi thơ.
Thấu cảm và đồng cảm cùng tác gỉa.
Đang có tranh luận trên diễn dàn học thuật về THẤU CẢM đó bạn, Cảm ơn bạn đã đồng cảm
Thấu cảm và đồng cảm cùng tác gỉa.
Đàn guitar gà tình yêu yêu tinh?Mê mẩn Tiếng Đàn”nhón ”TIỀN hủ dít…Cạy ngay chỗ MẺ lấy”diếm” …Trầy trật mua ĐÀN thêm Tiền mới đủ…Chị LỌ mua giùm BÙ CHO…Học đàn học HOÀI thấy khó QUÁ ĐI !..Tay khải TÌNH TANG là dễ…Còn bao nhiêu NỐT nhớ Ê CÁI ĐẦU!Gởi ĐÀN nhờ Chị giữ lấy…HỌC ĐÀN qua Chị thấy KHOÁI hơn nhiều?Nhờ vậy biết Chị RẤT YÊU…Tiếng ca KHÁNH LY êm dịu RU TÌNH….Sau đó Thế Sự THĂNG TRẦM…Đổi thay bao chuyện KHÔNG GẦN ĐƯỢC CHỊ…Để rồi đến lúc TRỜ VỀ..Hay tin Chị đã RA ĐI MÃI MÃI….{Ngôi Sao xếp hình Việt nam…ĐÔI MẮT Tưởng Tượng nhìn lên TRỜI MƠ….Đầm Cù Mông làng MÒ O…Có tiếng ĐÀN bay trong gió TRÊN SÓNG….}Cái Kết-BUỒN!?
Tôi ở ngoại ô một căn nhà nhỏ có hoa thơm trái hiền… lâu rồi mới nhớ về một bản nhạc xưa cũ mà đầy ắp kỷ niệm như vậy
Nghe lại đi bạn, trong đêm tối trời, đầy sao.
Những kỷ niệm quá đẹp.
Tôi thích lối viết tối giản mà rất đằm thắm này
Đó là giả giọng trẻ thơ của tui.