Nguyễn Đức Trí.Kính chào bà con Xứ Nẫu.
Lâu nay tôi là một đọc giả âm thầm trung thành của xunau.org với một chút bức rức là ngồi không hưởng lợi.
Muốn đền đáp lắm, nhưng lại không thạo văn thơ nên tôi không dám mơ hão chuyện nộp thơ nộp văn làm phiền bà con phải đọc, vì tệ quá.
Thôi thì tôi xin được kể bà con nghe những chuyên lặt vặt nơi tôi ở. Hy vọng mua vui cho bà con được trong chốc lát, và cũng mong rũ rê được bà con kiều bào hải ngoại hiện đang ở xứ người, hay đã từng sống ở xứ người, kể chuyện xứ người với tinh thần góp ý xây dựng cho bà con mình ở quê nhà.
Vợ chồng con cái tôi ở Danmark từ năm 1980, vậy bài đầu tiên trong mớ CHUYỆN XỨ NGƯỜI nầy sẽ là bài viết về Danmark.
Thủ đô Danmark là Copenhagen (tên địa phương là København).
Diện tích không lớn, dân cũng không đông, nên Danmark là một quốc gia rất nhỏ nếu so với mình. (43.561km2 / 5.580.516 – http://www.norden.org/da/fakta-om-norden/de-nordiske-lande-og-faeroeerne-groenland-og-aaland/fakta-om-danmark).

Đứng đầu quốc gia hiện tại là nữ hoàng, nhưng trong tương lai sẽ là vua vì cả hai người con của nữ hoàng đều là trai, và con đầu lòng của thái tử Frederik cũng là trai.
Nữ hoàng chỉ là hình tượng đại diện cho quốc gia. Trên thực tế, chuyện quốc gia do thủ tướng và quốc hội quyết định.
Nói cho dễ hiểu, hoàn cảnh của nữ hoàng cũng giống như tôi khi sắp nhỏ giới thiệu với bạn
bè chúng, tôi là chủ trong cái nhà nầy, trong khi thiệt ra bà xã tôi mới là thủ tướng (kiêm luôn quốc hội), người nắm quyền sanh sát trong tay!!
Nhắc tới bà xã, tôi chợt nhớ chuyện cả bả và tôi gốc đều là nhà giáo. Thôi thì tôi quẹo qua kể chuyện giáo dục ở đây, vốn là chuyện gần gũi với chúng tôi nhứt.
Để tránh hiểu lầm, tôi xin được thưa rõ rằng tuy chúng tôi gốc là nhà giáo, nhưng công ăn việc làm hiện tai của chúng tôi vì hoàn cảnh không ăn nhập gì tới cái nghề thiêng liêng gõ đầu trẻ.
Tôi sẽ quay trở lại chuyện nầy, vì đây cũng là chuyện đáng để kể bà con nghe cho vui.
Tôi bạo gan nói chuyện giáo dục gần gũi với chúng tôi, chẳng qua vì chúng tôi có đông con. Bà con nghĩ coi, phải đi theo 4 đứa nhỏ từ nhà trẻ lên tới đại học thì bảo sao mà không thấy chuyện trường, lớp, bảng điểm… gần gũi với mình cho được.
Bởi vậy chuyện tôi kể, sẽ từ góc cạnh của phụ huynh, không từ chỗ đứng của một nhà giáo.
Trẻ con ở đây đi nhà trẻ từ 8 tháng tuổi. Tới 5 hoặc 6 tuổi thì vô mẫu giáo 1 năm. Sau đó là 9 năm fokeskolen, tương đương với tiểu học (cấp 1) và trung học đệ nhứt cấp (cấp 2) của mình cộng lại.
Sau lớp 9, học sinh đã đậu tốt nghiệp bắt đầu chia ra nhiều hướng :
-1 năm lớp 10 , cho các em muốn dùng 1 năm để nghĩ ngơi, ôn lại toàn bộ 9 năm đã qua trước khi đi tiếp.
-Học nghề ngắn hạn (bậc thợ)
-Học nghề trung cấp, 3,4 năm.
-Trung học đệ nhị cấp (cấp 3).
Ở bậc nầy có hai loại trường để các cháu lựa. Một loại chính quy y như mình, với tất cả các môn. Loại thứ hai mà tôi thấy rất thông minh, rất thực tế, là loại học sinh sẽ chỉ phải học những môn các em sẽ phải xài ở đại học.
Những chi tiết kể trên khô khan, và dư, vi nếu muốn biết, bà con có thể tự google được. Bởi vậy tôi xin kể những chuyện bên lề, hy vọng bà con đọc đở chán.
Để cai quản một lớp mẫu giáo, với khoảng 20 tới maximum là 25 em (các em nầy luôn luôn là những em ở gần nhà nhau, đã từng đi chung nhà trẻ từ lúc 8 tháng tuổi), thường là do 2 cô giáo có bằng giáo viên mẫu giáo phụ trách.
20-25 em nầy sẽ học chung với nhau ít nhứt 10 năm, cho tới tốt nghiệp lớp 9. Các bậc phụ huynh ở đây rất coi nặng sự gắn bó của các em với ngôi trường đầu tiên, với cô giáo, với bạn bè mà các em đã gần gũi nhau suốt từ lúc còn là một baby. Họ rất tránh chuyện con họ phải đổi trường, mất bạn.
Khi lên lớp 1, các em sẽ có 1 cô giáo chủ nhiệm, điều khác với mình là cô giáo chủ nhiệm nầy sẽ dạy các em liên tục 5 năm, bên cạnh các cô thầy của những môn khác. Cô giáo chủ nhiệm do đi theo các em 5 năm nên thường trở thành một bà mẹ thứ hai của các em, được sự thương yêu tin tưởng của các em. Sau năm năm, bao giờ tiệc thầy trò chia tay cũng vô cùng cảm động lưu luyến.
Danmark là một quốc gia có thang điểm kỳ cục nhứt thế giới.
Trước đây, thang điểm nầy là 0, 3, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 13.
Tôi e đã có vị không tin tôi khi đọc những con số quái lạ nầy.
Quý vị sẽ càng ngạc nhiên hơn khi biết từ năm 2006, thang điểm trở nên càng quái lạ hơn:
-3, 00, 02, 4, 7, 10, 12.
Trong thâm tâm, tôi cực lực phản đối chuyện điểm âm (-3). Tôi cho rằng em nào kém may mắn trong chuyện sách vở ở tuổi đi học, vẫn có thể là một nhân tài về sau, khi ra xã hôi, em giỏi ở mặt khác. Tôi sợ đìểm âm sẽ đánh sập lòng tự tin, tự trọng của các em. Nhưng biết sao hơn, tôi đâu phải là bộ trưởng bộ giáo dục nên chưa tới phiên tôi có ý kiến!
Trường lớp, giáo viên, nhân viên xã hội ở đây rất quan tâm chuyện triệt để chận đứng tại chỗ chuyện các em nhạo báng nhau. Họ rất sợ chuyện một em kém may mắn, bị bạn bè kết vây kết cánh, bè phái a dua rũ nhau xúm lại đem em ra làm trò đùa, trêu ghẹo em mà em mặc cảm, bị ám ảnh, sẽ bị mất thăng bằng, ảnh hưởng tới phát triển tâm lý của em ấy về sau.
Từ nhỏ, các em được dạy TỰ TRỌNG và TỰ LẬP.
Ở nhà trẻ, các em 8 tháng đã được đặt ngồi ngay ngắn trước phần ăn của mình và tự ăn, tự uống.
Để các bé có thể “theo” kịp với “người ta”, cha mẹ các bé đã phải lo tập cho bé khả năng nầy từ lúc các bé chỉ tròn 4 hay 5 tháng tuổi. Dĩ nhiên phần lớn các bé được cột vào ghế vì vẫn chưa biết ngồi, và sau khi bé ăn là một bãi chiến trường vì thức ăn được bé trét kín mặt mũi quấn áo, và làm rớt quanh mình.
Công việc thường nhứt của các em là rữa chén ở nhà hàng, quán ăn, và bỏ báo. Bỏ báo là “nghề” cực nhứt vì bỏ suốt đêm, hoặc từ 4 giờ sáng, nhứt là vào mùa đông, tuyết ngập đường xá. Những ngày đi tôi làm sớm, trời còn tối thui, lái xe trên đường, thấy các cháu lội tuyết bỏ báo tôi rất xúc động, ước sao trẻ em nhà giàu ở Việt Nam chứng kiến được cảnh nầy.
Nghề hấp dẫn, nhàn hạ nhứt của các em là dẫn chó của nhà giàu đi lang thang ngoài đường để hóng gió (thiệt ra là để đi … toilet) (Yên tâm! Bao giờ người dẫn chó đi cũng thủ trên tay bao nylon để “thu dọn sản phẫm” của chó mình làm ra. Trên đường không bao giờ có chuyện khách bộ hành phải đạp mìn vì bảo đảm là không ai để có mìn vương vãi).
Tôi xin được xác nhận rằng các cháu làm việc là do tinh thần tự lập, tự kiếm tiền túi xài để khỏi phải xin ba má chứ không phải vì nghèo đói. Đã có giai đoạn vợ chồng chúng tôi làm chủ một quán ăn nhỏ. Trong 17 năm sống với cái quán nầy, chúng tôi có trên 100 em giúp việc. Số lớn các em là con giám đốc, phó giám đốc, kỹ sư, giáo sư, nhạc sĩ… nói chung là thuộc gia đình khá giả.
Một điểm cần nhấn mạnh là các em có việc làm bên cạnh việc đi học thường là các em cầm đầu trong lớp. Đã có những nhà xã hội học làm thống kê nầy chứ không phải chỉ là dự đoán.
Họ làm thống kê, phân tích và đi đến kết luận là có thể do lăn lóc làm việc, các em ý thức được giá trị đồng tiền, thông cảm cha mẹ hơn, và biết “sợ” là sau nầy, nếu không có một kiến thức, một nghề nghiệp đàng hoàng thì các em sẽ phải cực suốt đời với những nghể không cần bằng cấp như hiện tại.
Nhà trường rất thành công trong việc giúp các em có lòng tự trọng, ý thức bảo vệ môi trường và ăn uống hợp lý. Thí dụ dân cả nước coi chuyện đóng thuế trên 50% lương kiếm được là chuyện tự nhiên. Không ai có ý trốn thuế. Không ai ỷ lại vào hệ thống trợ cấp xã hội hậu hỉ cho người thất nghiệp mà thờ ơ trong việc tìm việc làm. Học sinh từ nhỏ đã biết tiết kiệm điện, nước, Khi bỏ rác, các em luôn luôn phân loại rác và bỏ đúng thùng dù phải đi xa hơn. Trẻ con ở đây đã bắt đầu không xài bơ, không ăn bánh, kẹo, chocolat, không uống cocacola nữa. Rất nhiều cháu nhỏ đã bắt đấu “ăn chay” kiểu Danmark, tức không ăn thịt, chỉ ăn hải sản và trứng, để tránh thịt heo, bò, gà, được nuôi lớn bằng thuốc trụ sinh và thuốc kích thích
tăng trưởng.
Kính thưa bà con,
Khởi đầu tôi tính kể chuyện mua vui cho quý vị, giờ tôi lại thấy cám ơn quý vị nào có sức kiên nhẫn cao, đã chịu khó đọc tới dòng cuối cùng nầy.
Chào thân ái,
Nguyễn Đức Trí
Kính mời Bà Con Xứ Nẫu nghe một bài nhạc Danmark:
Kính mời Bà Con Xứ Nẫu nghe một bài nhạc Danmark