Mang Viên Long
Đầu tháng 6-2002 tôi có dịp được bà Yến Lan cho xem tập “Di cảo thơ Yến Lan” do bà sưu tầm, chọn lọc và ghi chép trong nhiều tháng qua. Theo dự tính thì tập Di cảo này gồm 250 bài thơ chưa được in trong một tác phẩm nào. Bà còn cho biết, hiện đang sưu tập, sắp xếp, cố gắng giới thiệu cùng độc giả trong vài tháng tới….
Đọc bản thảo “Di cảo thơ Yến Lan” tôi chú ý đến mấy bài thơ được nhà thơ sáng tác trong mấy tháng trước ngày ông giã từ cuộc sống. Thời gian này ông đã lâm bệnh nặng, không tự cầm bút viết được, phải nhờ bà Yến Lan ghi lại.
Bài thơ đầu, bài “Đường về quê bạn”, viết vào ngày 8-4-1998 nghĩa là trước lúc ông ra đi khoảng sáu tháng. Bài thơ nửa mộng nửa thực, nửa tỉnh nửa mê – trong một cơn đau dài ngày, điều này cũng đã phản ánh rất chân thực tâm hồn ông, suy nghĩ của ông lúc bấy giờ:
Đường về quê bạn nước tràn lan
Lạc ngựa mương qua nước quáng quàng
Tiếc một ván cờ chưa kịp thắng…
Hẹn chừng nước rút đón em sang!
Bài “Điều bất hạnh” sáng tác ngày 24-7-1998 trước lúc mất hai tháng, Yến Lan còn tỏ ra rất sáng suốt, tài tình, trong thể hiện tình ý cô đọng, sắc bén, với thể thơ tứ tuyệt sở trường của ông:
Chim non lót tổ gếch cành tơ
Chờ đón người yêu hót thẫn thờ…
Đâu biết đêm qua luồng gió lốc
Đẩy vào đông lạnh bước bơ vơ!
Ba bài thơ cùng có tựa là “Vô đề” được trích giới thiệu sau đây, được nhà thơ sáng tác trước lúc vĩnh biệt từ 1 đến 2 tháng. Bài “Vô đề” thứ nhất, có thể gọi là bài tự thán – giây phút tỉnh giác nghĩ về thân phận mình, về cuộc đời mình, khi cuộc sống còn lại rất ngắn ngủi:
Sấm sét gầm vang đánh tốc cây
Trận đau trời đất xé tan mây…
Thiên nhiên vần vũ bao đau đớn
Không ướt chùm lông cổ vịt gầy !
(7-8-1998)
Bài “Vô đề” thứ hai, ông nghĩ về tình bạn – nói rõ hơn, là nhớ về những người bạn thơ tâm giao, trong “tứ linh” của Bàn Thành cũ, với tâm sự của người sắp từ giã cõi đời {ở đây ông nhớ đến Quách Tấn (Rùa) và Chế Lan Viên (Hạc)):
Cánh động chuông rung tắt nghẽn rồi
Một nền nghi vệ đã tàn hơi…
Chỉ thương con Rùa nằm xa quá
Mơ Hạc đi đâu lạc bóng người!
(13-8-1998)
Bài “Vô đề” cuối cùng được viết vào ngày 14-8-1998, nghĩa là sau “Vô đề” thứ hai một ngày. Tuy gọi là “vô đề” mà chẳng phải là “vô đề”, mà chính là có “chủ đề” của nhà thơ, trong những ngày tháng biết mình không còn sống bao lâu nữa. Bài này, Yến Lan dành nghĩ về người bạn đời thủy chung, son sắt của mình. Trải bao năm tháng đồng cam cộng khổ, sẻ chia từng nỗi niềm hạnh phúc – khổ đau, nhưng ước mơ vẫn còn ở phía trước…
Ngày tháng soi chung gương chẳng mờ,
Bút thay vần, nới rộng hồn thơ…
Chỉ thương mái tóc dài vô tận
Vén mãi chưa thành chuyện ước mơ!
Những tháng ngày sau cùng, Yến Lan thường chỉ viết thơ tứ tuyệt. Điều này cũng dễ hiểu: thơ chỉ có bốn câu, ngắn, gọn – phù hợp với sức khỏe đang cạn kiệt của ông. Hơn thế, thơ tứ tuyệt là loại thơ sở trường của ông, Yến Lan đã rất thành công khi sáng tác thể thơ này. Lời, ý trong thơ tứ tuyệt của ông được chắt lọc, được dồn nén, tích lũy để bùng vỡ thành tiếng thơ – dịu dàng mà sâu sắc, luôn thấm sâu vào hồn người đọc.
Đọc những bài thơ sau cùng của Yến Lan, chúng ta cảm nhận rõ một điều: suốt cả cuộc đời ông đã luôn dành cho thơ, sống với thơ cho đến những giờ phút cuối cùng. Và dầu thân tuy bệnh, mà tâm ông vẫn ngời sáng, vẫn nhiệt tình với thi ca …
( Nguyệt san Bình Định số 10/ 2002 )
MANG VIÊN LONG
Mình thích nhất là nhân cách nhà văn của ông, không sum soe nịnh bợ với chức quyền.
Tưởng nhớ 20 năm ngày mất của ông. Rip
Nên chăng Bình Định có nhà lưu niệm nhà thơ Yến Lan ?
Mình nhớ và ấn tượng với bài thơ Ông lái đò của ông, còn những bài thơ sau này chỉ thích những bài thơ ngắn, bốn câu của ông.
Thơ ông giản dị nhưng nhiều chất thơ
Hình như ở An Nhơn sẽ có lễ vinh danh ông ?
Nhà thơ của Bến My Lăng nỗi tiếng
Thơ Yến Lan thật sự hay. Nhưng tại sao vọng âm không lan xa?
Cám ơn nhà văn đã cho người đọc biết những thông tin quí