Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘Thành Đồ Bàn’

Truyện ngắn của Trần Như Luận

Download

Chuyện xảy ra tại thành Đồ Bàn, dưới đế chế Chăm-pa. Người có công đem chuyện ra thuật lại là một vị cai ngục, tổ tiên của một dòng họ sống hơn mười hai đời tại đất An Nhơn. Trong truyện có nhắc tới một vị cai ngục tên Dajaya, nhưng không phải là vị cai ngục đã thuật chuyện.

(more…)

Read Full Post »

Thuở vàng son, thành Cha có tên là Phật Thệ, thành đô của kinh đô Vijaya. Đây là một trong bốn thành cổ Chăm Pa ở Bình Định, từng là trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực này khoảng từ thế kỉ VIII đến thế kỉ XV. Thế nhưng ngày nay, thành Cha chỉ là một phế tích … (more…)

Read Full Post »

Thành Hoàng Đế là một địa điểm hai lần là kinh đô của hai tộc người, hai triều đại, trong hai thời kỳ lịch sử khác nhau. Do vậy, dù được khai quật khảo cổ nhiều lần, những tồn nghi quanh di tích này vẫn nối dài. Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật khảo cổ di tích thành Hoàng Đế lần thứ 5 với mục tiêu cụ thể: Xác định không gian “Tử thành” (thành con) để phục vụ công tác trùng tu tôn tạo.

Mô hình thành Hoàng Đế (theo tư liệu của GS. Phan Huy Lê) trưng bày ở Bảo Tàng Bình Định. Ảnh: N.T.Q

Từ 500 năm thành Đồ Bàn …

Theo thư tịch cổ, ngôi thành cổ này có rất nhiều tên gọi: Vijaya, Chà Bàn, Xà Bàn, thành Lồi, Đồ Bàn… Trong đó, tên gọi Chà Bàn được sử liệu Việt Nam ghi chép sớm nhất vào thời Lê (1403) và sử dụng nhiều nhất, một số sử liệu về sau gọi là thành Đồ Bàn. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết: “Sách Thiên Nam dư địa chí gọi là Chà Bàn, sau nhiều sách chép lầm là Đồ Bàn vì chữ Chà và chữ Đồ gần giống nhau”.

Năm thế kỷ vương quốc Champa định đô ở vùng Vijaya (TK XI-XV), chiến tranh nhiều lần chà xát khu vực này. Sau lần bị người Khơme tấn công vào cuối thế kỷ XII, kinh đô bị hủy hoại nặng nề. Đến năm 1832, để tránh cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông, người Chăm lại bỏ kinh thành chạy lên vùng thượng du. Cuộc chiến với nhà Trần và đặc biệt là nhà Lê của Đại Việt vào năm 1471 đã đưa Vijaya vào Đại Việt, thành Đồ Bàn chấm dứt vai trò lịch sử của nó với vương quốc Champa. Hiếm có kinh đô nào lại xây dựng, bị hủy hoại, rồi tu sửa, phục hồi nhiều lần như Đồ Bàn.

Về thành Đồ Bàn, thư tịch cổ cho biết: “Trong phủ có thành Đồ Bàn, là nơi vua nước Chiêm ở đó, lộng lẫy kiên cố nay dấu cũ hãy còn” (Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú); “Xã Phú Đa xưa có thành xây bằng gạch gọi là Đồ Bàn. Thành vuông mỗi bề dài một dặm, có 4 của. Trong thành có điện, có tháp. Điện đã bị đổ , tháp còn lại 2 tòa gọi là tháp con gái” (Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư); “Thành cũ Chà Bàn ở địa phận 3 thôn: Nam Định, Bắc Thuận và Bả Canh về phía đông huyện Tuy Viễn, xưa là quốc đô của Chiêm Thành, chu vi 30 dặm, trong thành có tháp cổ, có nghê đá, voi đá đều là của người Chiêm Thành” (Đại Nam Nhất thống chí),…

Một đoạn thành ở rất gần miếu Song Trung, trong khu vực Tử Cấm thành. Ảnh: B.PHÙNG.

Đến Thành Hoàng Đế của Vương triều Thái Đức.

Khởi nghĩa Tây sơn giành thắng lợi, Nguyễn Nhạc đã chọn tòa thành cổ Đồ Bàn hơn 300 năm hoang phế để xây dựng kinh đô Vương triều Thái Đức (1778).

Sử cũ chép về Thành Hoàng Đế: “Nguyễn Nhạc nhân đất cũ của Chiêm Thành, sửa đắp thành Đồ Bàn, đào lấy đá ong thành Lũy, mở rộng cung điện” (Sách Lê Quí Dật Sử); “Tây Sơn Nguyễn Nhạc chiếm cứ thành này, nhân nền cũ xây đá ong tiến xưng là Thành Hoàng Đế” (Đại Nam Nhất Thống Chí); “Đồ Bàn có từ lâu đời, khắc phục tự nhà Trần, bị phá vỡ tự đời nhà Lê, khôi phục được từ nhà Tây Sơn, sau dần dần phá bỏ mà nay nền cũ vẫn còn…Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37, nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc năm thứ 4 bèn nhân nơi đó mà đóng đô, mở rộng cửa đông kéo dài đến 15 dặm, tường thành được đắp cao rồi xây bằng đá ong, bề cao đến 1 trượng 4 thước, bề dày 2 trượng, mở thêm 1 cửa thành ra 5 cửa, riêng phía trước có 2 cửa, bên tả là cửa Tân Khai, bên hữu là cửa Vệ môn…phía tây thành có đắp con đê đỉnh nhĩ để phòng nước lụt, phía Tây Nam có đàn Nam Giao để tế trời đất, bên trong thành xây thêm bức thành con, chính giữa dựng điện Bát Giác…phía sau là điện Chánh Tẩm (nhà chính), trước điện Bát Giác có lầu Bát Giác; hai bên dựng hai nhà thờ, bên tả thờ tổ tiên ông Nhạc, bên hữu thờ tổ tiên bà Nhạc; trước lầu Bát Giác có cung Quyển Bồng, hai bên có dãy hành lang là nơi làm việc; trước cửa cung có cửa Tam Quan cũng gọi là cửa Quyển Bồng, hay là cửa Nam Lâu mà cửa Vệ Môn đứng ở trước mặt” (Đồ Bàn Thành Ký Nguyễn Văn Hiển).

Theo Chapman, một thương gia người Anh khi đến thăm Nguyễn Nhạc vào giữa năm 1778 viết: “Tường thành phía Đông dài nửa dặm, không thấy có đại bác, lỗ châu mai, tháp canh gì cả. Cũng không thấy có lính canh ở cổng và trên tường thành”.

Đến năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm thành Hoàng Đế đổi tên là thành Bình Định. Năm 1800, quân Tây Sơn vây thành, đến năm 1801 chịu không nổi trùng vây của quân Tây Sơn, hai tướng giữ thành của Nguyễn Ánh là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tự sát.

Năm 1802, quân Tây Sơn bỏ thành ra Bắc. Khi Gia Long lên ngôi, nơi đây trở thành dinh Bình Định rồi trấn Bình Định. “Năm Gia Long thứ 7 (1808) dời đến chỗ hiện nay (thôn Kim Châu và An Ngãi), năm thứ 14 đắp bằng đất, năm thứ 16 xây bằng đá ong” (Đồ Bàn Thành Ký Nguyễn Văn Hiển). Để xây thành Bình Định, nhà Nguyễn đã dỡ lấy vật liệu đá ong từ thành Hoàng Đế và xây lăng mộ Võ Tánh ngay trên địa điểm điện Bát Giác và lầu Bát Giác.

Cuộc khai quật lần trước giúp phát lộ hồ bán nguyệt trong khu vực Tử Cấm thành. Hy vọng những cuộc khai quật tới đây sẽ cung cấp thêm nhiều cứ liệu khoa học  giúp chúng ta hình dung rõ ràng hơn về tòa thành cổ này. Ảnh: B.PHÙNG.

Những tồn nghi nối tiếp

Trải qua bao cuộc biển dâu, việc bóc tách để phân biệt đâu là thành của người Chăm, đâu là của nhà Tây Sơn và đâu là của nhà Nguyễn là vấn đề không đơn giản, do đó tồn nghi nối tiếp tồn nghi.

Năm 1986, GS Phan Huy Lê cùng một số nghiên cứu sinh Đại học Tổng Hợp Hà Nội khảo sát thực địa di tích Thành Hoàng Đế và công bố Thành Hoàng Đế gồm 3 vòng thành: Thành Ngoại, thành Nội và Tử Cấm Thành. Tử Cấm Thành có cấu trúc hình chữ nhật, dài 174m, rộng 126m (khuôn viên Lăng Võ Tánh hiện nay).

TS. Lê Đình Phụng – Viện khảo cổ học Việt Nam, người chủ trì 4 đợt khai quật khảo cổ thành Hoàng Đế cũng xác định thành Hoàng Đế có 3 vòng thành: thành Ngoại, thành Nội và Tử Cấm Thành. Tuy nhiên Tử Cấm Thành có chiều dài 321m. Bởi vì dấu tích thành Đông và thành Tây Tử Cấm Thành nối dài ra phía Bắc. Mặt khác, thành Bắc Tử Cấm Thành (theo GS. Phan Huy Lê) và là tường Bắc lăng Võ Tánh hiện nay, xây sau thành Đông và thành Tây vì tường Bắc xây tiếp giáp với tường Đông và Tây bằng kỹ thuật gối đầu (không câu neo), kỹ thuật xây ghép đá ong thành Bắc khác thành Đông và thành Tây. Và TS, Lê Đình Phụng xác định thành Bắc Tử Cấm Thành là bờ Bắc thành Nội theo xác định của GS. Phan Huy Lê.

Năm 2009, Viện khoa học Công nghệ xây dựng phối hợp với Ban Quản lý di tích tỉnh đào thám sát kiểm tra các thông số kỹ thuật để lập thiết kế trùng tu, kết quả cho thấy: Bờ thành Bắc Tử Cấm Thành theo công bố của TS. Lê Đình Phụng không nối với thành Đông và còn kéo dài  về phía Đông, kích thước đá ong và tường thành Bắc đều lớn hơn kích thước đá ong và tường thành Đông và Tây hiện còn.

Vừa qua, trong quá trình phục hồi tường Đông, Tây và Nam Tử Cấm Thành (theo xác định của GS. Phan Huy Lê) đã phát hiện bờ tường Nam nối với tường Đông và tường Tây cũng xây gối đầu (không câu neo) và tường Nam cũng nối dài ta ngoài tường Đông và tường Tây hiện còn, kích thước tường Nam được phục hồi theo dấu tích chân tường hiện còn, có chiều rộng nhỏ hơn tường Đông và tường Tây.

Dấu gạch nối còn in bên ngoài góc Đông Nam bờ tường Tử Cấm Thành (thành Nam Kéo dài ra phía Đông Tử Cấm thành). Ảnh: N.T.Q

Điều đáng lưu ý ở đây là tất cả các tư liệu lịch sử để lại không có tài liệu nào nói cấu trúc thành Hoàng Đế có 3 vòng thành là: thành Ngoại, thành Nội và Tử Cấm Thành. Đây là mô hình thành Bắc Kinh của Trung Quốc. Tòa thành được sơn màu tím (tử) là nơi cấm địa, nên gọi là Tử Cấm Thành.

Trong Đồ Bàn Thành Ký của Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển chép về thành Hoàng Đế như sau: “…thành nội trúc tử thành….”, tạm dịch: “bên trong thành xây thành con”. Chữ “tử” ở đây nghĩa là “con”, chứ không phải tử là “màu tím”. Trong sách: Thành Hoàng Đế – kinh đô vương triều Tây Sơn, trang 154, TS. Lê Đình Phụng viết: “Về thành Hoàng Đế qua ghi chép của sử liệu (Đồ Bàn Thành Ký) cho thấy kinh đô vương triều Tây Sơn có 3 lớp vòng thành: Thành Ngoài, thành Trong (gọi là thành Nội), và thành Con (sau này gọi là Tử Cấm Thành)”.

Qua những tư liệu lịch sử viết về thành Đồ Bàn và thành Hoàng Đế nêu trên và những phát hiện mới những năm vừa qua, trong quá trình khai quật khảo cổ và phục hồi tường thành Hoàng Đế cho thấy rằng: Công bố của GS. Phan Huy Lê và TS. Lê Đình Phụng xác định về cấu trúc cũng như không gian của 3 vòng thành Thành Hoàng Đế còn nhiều điều tồn nghi. Hy vọng những cuộc khai quật tới đây sẽ cung cấp thêm nhiều cứ liệu khoa học  giúp chúng ta hình dung rõ ràng hơn về tòa thành cổ này.

(Theo baobinhdinh.com.)

NGUYỄN THANH QUANG

Read Full Post »

TTCT – Đập Đá (Bình Định) được mệnh danh là đất kinh đô các vương triều cũ, nổi tiếng với thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế…

 

Xe ngựa chở khách đi chợ, mỗi người vài ngàn đồng. Quần quật chở thêm hàng hóa, mỗi ngày thu nhập trung bình 100.000 đồng

Như còn vương lại từ những rêu phong xưa cũ, không biết từ bao giờ, một ngã ba ở thị trấn Đập Đá “chết danh” với cái tên Bến Xe Ngựa. Sáng tinh mơ hay chiều tà, những chuyến xe ngựa chở hàng hóa, người đi chợ, trẻ đến trường gõ lộc cộc trên những con đường làng, trên lối mòn thành cũ. Tiếng nhạc leng keng rung lên giữa làn sương mai, trong màu nắng chiều hôm trên thành Hoàng Đế là âm thanh du khách khó thể nào quên.

Tham quan khu quần thể di tích, văn hóa xưa ở Đập Đá, ngồi trên xe ngựa leng keng không khỏi xốn xang niềm hoài cổ: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (*).

Trước kia, mỗi ngày Bến Xe Ngựa có hơn cả trăm xe thường xuyên đứng bến, phân tổ chở khách, hàng hóa đi khắp nơi trong khu vực, nhất là người đi chợ tờ mờ sáng. Rồi bị những phương tiện thuận lợi hơn như xe ba gác, xe thồ, taxi thay thế, Bến Xe Ngựa dần vắng bóng xe. Chỉ còn một số xe vẫn gõ nhịp lốc cốc theo tình yêu của chủ nhân. Họ giữ nghề vừa để kiếm sống vừa giữ lại cho mình một niềm đam mê xe ngựa.

Mưu sinh trên xe ngựa bấp bênh, những ngày chợ phiên chạy được vài chuyến chở người dân đi chợ, chở hàng về làng và học sinh kiếm 100.000-200.000 đồng/ngày, ngày thường ít khách, một thời hoàng kim thổ mộ đã dần qua.

Ông Phạm Sáu, 70 tuổi, đã có hơn 50 năm chạy xe ngựa ở đây, trăn trở: “Vì mưu sinh nhiều người đã khóc khi bỏ xe ngựa chuyển sang nghề khác, họ đau buồn lắm. Xe ngựa khác với những xe chở hàng, nó biết yêu thương, gắn bó với chủ. Tôi và một số người bạn ở đây quyết giữ nghề cho đến hết thế hệ này. Chẳng lẽ bến xe ngựa lại không có ngựa?”…

Nguyễn Tiến Lợi, 17 tuổi, người trẻ nhất chạy xe ngựa ở bến này, tâm sự: “Không chỉ chở hàng, đi chợ, xe ngựa bây giờ còn làm được du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương nên tôi nghĩ nếu mình biết khai thác thì nghề xe ngựa rất hấp dẫn và có thu nhập tốt”.

 

Xe ngựa “đổ xăng” bằng cỏ, chủ luôn chở theo dưới xe một thùng cỏ để khi nghỉ ngơi ngựa lót dạ. Chân ngựa bao giờ cũng được đóng đế bằng sắt để tạo độ bám khi di chuyển
Khách hàng thân thuộc nhất của xe ngựa là những người đi chợ phiên
Xen lẫn với phương tiện vận tải hiện đại, xe ngựa vẫn giữ một giá trị khó thay thế
Chủ rất yêu quý ngựa, xem ngựa như bạn bè. Để ngựa đẹp hơn, chủ phải tắm rửa, cắt tỉa lông, chăm sóc ngựa hằng ngày
Những chuyến xe ngựa đợi khách ở Bến Xe Ngựa. Xe ngựa cũng được quy định xuất bến theo thứ tự
Nam thanh nữ tú rất thích thú khi đi xe ngựa

TRƯỜNG ĐĂNG

__________

 

Read Full Post »

Võ Xuân Phương
I
Em là cô gái Chàm
Dáng đi như đang múa chàm rông
Có ngực và mông nở nang như cô gái múa apsara
Thoắt ẩn, thoắt hiện dưới trăng mười bốn
Trăng buông trùm màu vàng vạn thọ lên khắp đồi, tháp, tu viện Nguyên Thiều
Em bay lên tháp, ta chạy theo em
Em từ đâu ra?
Gò Chàm
Thành Đồ Bàn đổ nát
Em dừng lại bâng khuâng nhìn tháp
Ta ngẩn ngơ, chết xác nhìn em
Sương đêm lạnh
Sương đêm lạnh
Trăng lạnh vàng hoa vạn thọ
Bên kia sông Côn, gió chảy theo dòng
Vài con Vạc bay chậm về lùm tre xơ xác
Con Cú trên tháp kêu độc tiếng
Em không rùng mình nghe tiếng Cú kêu
Sao lại rùng mình khi nhìn cảnh tháp tiêu điều
Có gì đâu một hoang tàn đổ vỡ
Được xây trên bao nỗi lầm than của dân cùng khổ
Hãy gìn giữ cảnh thiên nhiên có sẵn
Núi, rừng, sông, biển, vách đá, cù lao
Những đảo xa xăm, những thác nước trên cao
Gìn giữ nó của Tổ Tiên truyền lại
Như cơ thể em có đâu còn mãi
Chỉ còn hơi thở chàm rông và làn gió apsara
Em trăm năm trước về bằng bóng ma
Ta trăm năm sau nhập hồn cây cỏ
Cung điện Lý, Trần, Lê và bài thơ “Nam quốc”
Chưa ngàn năm, đã cái mất cái còn
Trên đỉnh tháp cổ chon von
Trăng tròn vẫn vàng lạnh
Sương rơi vẫn lành lạnh
Gió thổi vẫn ù ù lạnh
Có gì xót xa hơn!
Em có buồn tủi không?
Đất của muôn dân, đâu phải của riêng mình
Sao đổi lấy một cô gái xinh đẹp!
Em có căm hờn không?
Giang sơn sao để mất!
Dù một tất
Cũng có tội với Tổ Tiên vô cùng
Sao em khóc?
 Sao em quì hôn đất!
Ôi! Em gái Chàm, trăm năm trước về đây
Nhìn em, ta chỉ xúc động một giây
Đã mừng rồi, cứ ngỡ mình vô cảm
Em có nhìn thấy vết trát xi măng ngô nghê thô thiển
Sao lại sửa cổ tích người ơi!
Em thật tuyệt vời,
Ta cũng tuyệt vời
Em khóc than cho cái đã mất
Ta xót đau cho những bông hồng!
Trời mênh mông, đất mênh mông
Bỗng dưng ta thấy một bông thọ vàng!

Read Full Post »