Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘Nguyễn Thị Phụng’

Chải đời

Nguyễn Thị Phụng

tocthe-xu-hue

CHẢI ĐỜI

.
Tỉnh mê
gỡ rối đi
nghen!
Này
đây chiếc lược
trắng đen đã từng

. (more…)

Read Full Post »

Điệp khúc thu

Nguyễn Thị Phụng

hinh-nen-thu-phap-thuy-mac5

Cứ ngỡ mặt hồ phẳng lặng
Ô hay bao đợt sóng ngầm!
Bập bềnh hoa bèo tim tím
Biết đâu chùm rễ băn khoăn
. (more…)

Read Full Post »

Nguyễn Thị Phụng

autumn-autumn-9598275-1280-800

Tôi còn chỉ có mùa thu
Lá vàng rơi rụng lời ru tháng ngày
Cuối trời mây trắng gió lay
Cánh bèo mặt nước vơi đầy tím trôi
. (more…)

Read Full Post »

Cái tội chia đôi

Nguyễn Thị Phụng

Người ta thường bảo “Một con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng tôi nào phải con sâu đâu. Đương nhiên được bạn bè gọi tôi là nhà giáo, chính thức là nhà giáo kể từ khi tôi tốt nghiệp đại học sư phạm ra trường. Những đứa con tôi chẳng bao giờ thích đọc truyện ngắn hay thơ văn như tôi từ thuở bé. (more…)

Read Full Post »

 

    Sang hè thật đẹp, nắng óng vàng nhuộm sắc quả ngọt lịm mọng hương. Ngọn nồm từ biển ùa vào theo nhịp chân người hối hả cùng thời gian sinh sôi nảy nở vun đắp cho đời như màu nắng vàng kia. Nhưng đâu đây niềm chia xa luyến tiếc len lỏi mọi ngõ ngách vào buồng tim đau đáu nhớ, đau đáu thương khi đêm chập chững nặng nề cố đọc cho hết thông tin trên trang tranhanam.vnweblogs.com: “Tình hình bệnh của thầy Trương Tham chuyển sang nguy kịch từ tối qua 23.4.2012. Thầy lâm vào tình trạng tắc nghẽn đường thở, và ngừng thở vào lúc 23h20. Các bác sĩ đã tận tình cấp cứu, trợ thở bằng máy và đến 24 giờ thì thầy thở lại được bằng máy. Từ 4 giờ 30 sáng ngày 24.4.2012, huyết áp của thầy liên tục giảm, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng liên tục cấp cứu. Nhưng đến 15 giờ, huyết áp, tim mạch đều báo động đỏ. 15 giờ 55 phút, thầy trút hơi thở cuối cùng tại phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định.
Hiện thầy đã được đưa xuống Nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Lễ liệm tiến hành đúng 17 giờ – 18 h 30 nhập quan. Lễ viếng đã bắt đầu lúc 19 giờ cùng ngày. Thầy sẽ được an táng tại nghĩa trang Phật giáo Quy Nhơn
”. Cùng lúc đó nhận được tin nhắn của Nhà báo Trần Quang Khanh, chủ nhiệm CLB Văn học Xuân Diệu báo tin Nhà giáo ưu tú Trương Tham đã từ trần…
(more…)

Read Full Post »

Nguyễn Thị Phụng

 

Biển với tôi tự bao giờ gần gũi và thân thương lắm, những chiều nồm nam lộng gió tha hồ ngụp lặn trong bể nước mênh mông mát mẻ vô cùng. Còn hôm nay buổi sáng cuối xuân, nắng ấm đang độ rây vàng, tôi bước lên tàu của bộ đội biên phòng ở bến cảng Quy Nhơn cứ dạt dào theo con sóng. Gần hai tiếng đồng hồ lênh đênh trên mặt biển cùng với anh em văn nghệ sĩ của tạp chí Văn nghệ Quân đội, Sông Hương, Binh đoàn 15,… trong chuyến đi thực tế ra đảo Nhơn Châu cách thành phố Quy Nhơn 18 hải lí* .
Biển trong mắt tôi đâu hề xa lạ.
Cái nắng gió cùng với sóng nước là sức hấp dẫn mạnh mẽ nhất bức tôi rời khỏi buồng máy kín đáo an toàn dần ra trước mũi con tàu, độ bập bênh nhịp nhàng theo hơi thở biển khơi khiến tôi phải dần từng bước ngồi trên thùng cao trước buồng máy để giữ lại độ thăng bằng khi nhịp tim rộn ràng, rồi nhớ trước đây ba ngày đo điện tim với kết quả nhịp xoang chậm chỉ có 50 lần/ phút, huyết áp xuống thấp 90- 60, cộng với đêm hôm thao thức cho ngày mai chuyến ra đảo, tôi uống liền ba tách trà nóng, hương trà thơm dìu dịu lan tỏa vào khí quản, tôi tựa lưng an toàn và thiêm thiếp còn bên tai bao nhiêu là câu chuyện rôm rả của các anh chị trong đoàn. Rồi tôi không thể nhắm im đôi mắt còn há miệng cười theo khi có ai đó phát hiện cánh chim hải âu bay ngang. Ba chị em chúng tôi cùng lúc nhìn vào mênh mông hỏi: chim đâu? Được thể các anh cười rộ hả hê như chưa lúc nào sung sướng bằng, thích thú bảo chỉ có một con chim mà các cô phấn khởi!…
Có lẽ hơn tiếng đồng hồ rồi chăng. Tôi chắp cánh bay theo đề tài chim hải âu trên biển khi con tàu đã xa bờ lắm. Hải âu là giống chim lớn, cánh dài và hẹp, mỏ quặm, chỉ sống ở biển, là bạn của người đi biển, màu áo xanh lính biên phòng càng thân thuộc gần gũi hơn. Lúc này chúng thèm nghe tiếng máy con tàu, tiếng nói cười của người, càng lúc chúng rủ rê nhau biểu diễn điệu múa nhịp nhàng đôi cánh lên xuống cho chúng tôi xem. Từng cặp ba, cặp đôi lần lượt vào tầm ngắm trong ống kính, tôi ấn nhanh nút chụp và chúng không thể lọt ra ngoài nữa rồi! Ơ kìa những con cá chuồn chẳng chịu nằm yên số phận, nghe tiếng máy chạy qua, ngước nhìn hải âu tung lượn giữa trời xanh, chuồn cũng phóng mình thi sức theo con tàu chừng hơn mười mét, thấy mình lạc loài không ai tiếp sức nữa, đành trở về với bạn bè của mình. Trên những cái phao trắng vuông vắn bồng bềnh con sóng còn là trạm dừng chân quen thuộc của hải âu, nơi chim trời và cá nước bên nhau suốt đời…
Nhơn Châu hiện ra sau gần một trăm phút trên mặt biển. Núi đảo sừng sững trước mặt, ngọn hải đăng hình khối tròn điềm tĩnh bên phải cao vút lên tầng mây, khoảng giữa phía dưới là nhà cửa san sát chen lẫn  những vòm cây xanh mướt vươn lên giữa trời xanh thẳm. Có phải vì thế  trước đây nhân dân ta thường gọi là cù lao xanh hay không! Màu xanh lá dừa hiền hòa chịu đựng in trên mặt đường bê tông che nắng người đi đường, màu xanh cây sứ (cây hoa đại) tỏa hương trộn lẫn mùi nồng mặn của biển chia đều cho người qua lại, màu xanh của những luống rau cải rổ lá to bằng bàn tay xòe ra tươi mát, màu xanh của rau răm thơm mà đôi mắt ai đã từng ví như lá răm kia,… trong khuôn viên một số nhà dân ở hai bên đường, và cuối cùng là màu xanh lá bàng tràn cả mặt đất từ ngoài cổng doanh trại bộ đội biên phòng vào tận trong cơ quan, nhà nghỉ, phòng ăn,…Bàng khiêm tốn nhường bóng xanh những luống rau cho các đơn vị đại đội… ngay ngắn thẳng hàng hai bên lối gần khu nhà bếp phía sau. Và nhất là màu áo xanh tươi trẻ chân tình cộng với nụ cười cởi mở của các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang từng ngày giờ canh giữ biển đảo quê hương, đón tiếp và bố trí chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt cho anh em văn nghệ sĩ rất chu đáo.
Hai giờ chiều, một số chúng tôi ngồi dưới tán cây bàng với những vần lục bát cho nhau. Sau khi tôi đọc xong bài thơ “ Được mùa mua bán”, nhà văn Phùng Văn Khai lại bảo theo em thì chị Phụng chỉ cần sửa lại  từ “đã” là từ “ kia” trong câu bát: “Sầu riêng (đã) / kia chín thế nào cũng rơi ”… với một định từ được xác định thì hay hơn phụ từ chỉ thời gian!…
Sau một giờ đồng hồ, cái nắng bên ngoài cứ chực sẵn chờ người ra là lân la sờ sẫm quấn lấy ngay lên da thịt bất kể đàn ông, đàn bà, trẻ em, người già,… cho đã thèm cơn khao khát. Tôi và Hà My không thể chịu nổi cảm giác của tự nhiên ưu ái dành cho mình. Mắt kính, khẩu trang kín mặt, kín tay và kín luôn cả đôi bàn chân dù cho mồ hôi tha hồ tuôn chảy. Bởi luôn thực hiện phương châm nhất dáng nhì da. Đã là phụ nữ mà không xếp vào khung nào thì chỉ lo “ ê sắc” thôi. Chứ chưa nghĩ sợ ung thư da!…  Cuộc sống trên đảo với hơn 480 hộ dân và có khoảng hơn ngàn người, hầu hết là nghề đi biển. Trường học khang trang kiên cố nhất, dành cho tuổi thơ đến học tập và sinh hoạt ca hát vui chơi. Những con đường bê tông không rộng lắm chỉ đủ cho người đi bộ và một vài chiếc xe đạp, xe máy chạy qua lại. Một quán cà phê nằm sâu trong khuôn vườn nho nhỏ dành cho những phút tâm tình sẻ chia sau những ngày ra khơi lộng gió. Một gian lều chợ rộng nằm cạnh bãi biển đón cá, tôm,… từ những thuyền thúng đưa vào bờ. Một số chị em ngồi quanh nhau bắt chuyện thăm hỏi những buồn vui cuộc sống mà bụng dạ luôn hướng ngoài khơi xa của chồng mong được con tàu đầy ắp cá tôm. Từng nhóm học sinh tan trường tung tăng trở về nhà khoe điểm mười còn nóng hổi trên trang vở. Và từng nhóm vui đùa trong biển nước gần bờ mát mẻ khỏe khoắn hơn. Nhưng tất cả đều tâm niệm kính cẩn gởi vào vị thành hoàng xã đảo Nhơn Châu cầu mưa thuận gió hòa cho cuộc sống mãi bình yên theo năm tháng.


Đêm giao lưu không chỉ có thơ lục bát với một Tình xa của Hà My: “ Tì tì một cốc phôi pha/ Hờ hờ say khóc tình ta cõi người”. Còn Du An ở Điện Biên lần đầu đến biển sáng tác ngay trên con tàu: “ Biển khơi sóng lợp mái nhà/ Vừa bay nón trắng chắc là hải âu? Đường đi của những con tàu/ Bao nhiêu đàn cá ngẩng đầu trông theo” ( 28.4.2011). Còn tôi giật mình khi MC nhà văn Phùng Văn Khai bất ngờ giới thiệu chị Phụng sẽ đọc mười bài lục bát! Trời đất ơi, tôi cố gắng lắm mới được hai bài tám câu thì trong bụng không còn chút thơ nào nữa…bởi quên đậy nắp nó bò hết trơn. Anh Thai Sắc ở tận Đồng Tháp với chất giọng Quảng Bình đã thành công với bài hát “ Thuyền và biển” giữa lúc này sao nặng nghĩa nặng tình lắng sâu nỗi nhớ người yêu đến thiệt nhiều như vậy! Ngọc Tuyết yêu đời sảng khoái: “Cười cho sóng sánh tháng ngày/ Cười cho tình đến đủ đầy nhớ mong/ Cười cho đời bớt gai chông/ Cười cho xuân lạc vào trong tiếng cười”. Bên cạnh là đơn ca nữ của Binh đoàn 15, Đại đội Đ30, của Đoàn thanh niên xã đảo Nhơn Châu, nhưng khoái nhĩ nhất vẫn là chất giọng đặc trưng tự biên tự diễn bài chòi Bình Định của Trần Dự là hấp dẫn hơn,… Kết thúc đêm giao lưu là tặng nhau những tập thơ văn ấm áp thân tình. Còn Ninh Đức Hậu ở Ninh Bình đã không quên lưu giữ những tấm hình kỉ niệm khá ngộ nghĩnh, độc đáo. Sau đó, chúng tôi còn được thưởng thức món cháo cá thu lúc chín giờ đêm thơm ngọt mặn mà vừa miệng từ bàn tay khéo léo của các anh nuôi trong đơn vị ở đây. Tất cả đều thực hiện tác phong quân sự để còn ngày mai leo núi sờ lên ngọn hải đăng trước khi mặt trời mọc…
…Chia tay cầu cảng Nhơn Châu, con tàu lướt nhẹ trên sóng, bọt nước hình cánh  quạt xòe ra xếp lại vỡ tan hai bên mạn tàu. Mặt biển sớm mai bình yên, độ chênh lệch tâm trạng và cảm xúc của tôi có một cái gì đó chưa thật sự ngang bằng. Suốt cả đêm nơi đảo Nhơn Châu thao thức với màu nước xanh mát lắm từ lúc chiều thả mình trong biển mặn, cát ven bờ hạt to trắng lắm cứ níu chân du khách đến lúc không nhìn thấy bóng người nhưng không phải là cát mịn như biển Quy Nhơn. Cả quần thể núi đảo nơi đây đẹp tựa như vòm ngực căng đầy của một cô gái đương xuân. Tiếp giáp cầu cảng hai bên là tàu thuyền đánh cá tấp nập về đỗ bến bình yên, nhà cửa ngư dân san sát khi tối lửa tắt đèn có nhau, tiếng nói cười giòn tan đọng lại hòa với tiếng sóng yêu thương muôn đời làm nên bức tranh lung linh giữa biển. Nhưng còn đằng sau bờ cát trong cái eo biển nhỏ nằm phía sau của Nhơn Châu, một chiếc dép đứt quai, một miếng xốp lót đồ điện tử, những bì nhựa rách,…lặng lẽ trăn trở dưới nắng mưa rồi chốc chốc phất phơ theo con gió trên mặt triền dốc cố mình cuốn đi nhưng chẳng biết về đâu!… Xin hãy giữ Nhơn Châu một màu xanh yêu thương tươi đẹp.
Biển trong mắt tôi đâu hề xa lạ. Tôi muốn hỏi thật biển có bị dị ứng vết dầu loang trên một diện tích nhỏ và những bì nhựa còn nhãn hiệu nằm trơ ra trên con sóng gần đảo Nhơn Châu không?!…
Biển yêu ngàn đời của tôi!

___________
*Hải lí: đơn vị đo độ dài trên mặt biển bằng 1,852 kilomet

Read Full Post »

Nguyễn Thị Phụng.



Mùa đông miền Trung đâu lạnh lắm. Sao thèm cái lạnh trong thơ Xuân Diệu “ Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm/ Anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em” Lại nhớ da diết đến nao lòng từ khi “Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm” rồi! Xin mạn phép anh được đảo các danh từ “anh, em” đã dùng như đại từ trong câu thơ tiếp theo “Anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em” thành “ Em nhớ anh, anh hỡi em nhớ anh”. Có lẽ anh mỉm cười khi em vừa thủ thỉ điều bí mật này. Em yêu thơ anh, nên mới yêu anh. Ta cùng chung quê nên cùng tự hào Tuy Phước. Em không đi xa mà sao cứ vời vợi nhớ thương. Còn anh bao rạo rực đong đầy trong ngày trở về thăm quê mình:

ĐÊM NGỦ Ở TUY PHƯỚC
Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ
Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh.
Thức những ngô
i sao, thức những bóng cành,
Đêm quê hương thương cái hương của đất…
 

Ngủ không được bởi gió nồm từ biển lên cứ nhắc
“Trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi
Khi má anh sinh ra
Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
Nên tới già thơ anh còn được đậm đà thấm thía…”
Ngủ không được bởi nhớ cha tôi là thầy đồ Nghệ
Đem tôi theo ngồi dạy học các làng
Nghe bài chòi cắc cụp cắc ở chợ Tết xã Văn Quang.
Ôm cái cột đình làng Luật Bình rồng lượn…
 

Tim ta ơi, ta đố em ngủ được
Khi những buổi trưa của thuở nhỏ lại về…
Đi lượm xoài non rụng với khèo me
Một cái vườn hoang là một địa đàng cho mình khám phá
Có gì hơn mẹ với con, có chi bằng cơm với cá
“Lục lạc kêu rang rảng, bánh tráng bẻ dòn dòn”
Những ngọt bùi của quê má thân thương
Cái sân trường có trái vông đồng rụng xuống…
 

Bây giờ Tuy Phước rộng đồng tốt ruộng
Con đê ngăn mặn gió biển ru trời
Đập Thạnh Hoà kênh mương toả xanh tươi
Tiếng trạm bơm động ba hồ chứa nước
Một mảnh thịt của hồn ta – ôi Tuy Phước!
Bà Ngoại ta còn phảng phất ở đâu đây
Bánh ít lá gai, bánh ú mập đầy,
Hoa quả bốn mùa cũng từ ngoại mà ra tất cả…

Đêm ngủ ở Tuy Phước để mà không ngủ
Thức với quê hương như vậy đã vừa đâu
Xin thơ ta được thức mãi về sau.
Với Tuy Phước, ngày nào còn đất nước
                       (16/2/1982 – 25/2/1985 / Xuân Diệu)
Về Tuy Phước là về thăm quê ngoại, nơi anh được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gò Bồi bên bồi bên lở, từng nghe anh tâm sự “Từ lúc má tôi đẻ tôi ra ở cái vạn Gò Bồi làm nước mắm/ Một hạt muối trong tim để mặn với tất cả những gì đằm thắm/ Một cành lá trong hồn để biếc cùng muôn làng mạc của quê hương”(Miền Nam quê ngoại). Hạt muối mặn đằm thắm, cành lá biếc xanh cho tình yêu mỗi ngày thắp lên như hoa gạo đỏ mùa tháng ba trở về. Cùng bao vùng quê khác như An Nhơn, Tây Sơn thì Tuy Phước chỉ là một huyện trong tỉnh Bình Định nằm ở vùng hạ lưu sông Côn, nhận nước từ nguồn cho đất dai màu mỡ, là nơi tiếp tục khai dòng thông ra biển lớn. Và ai dám tự hào quê mình là vùng đất địa linh nhân kiệt, nếu từng ngày ta không biết vun trồng chăm sóc cho mỗi cây hoa người tỏa hương rồi tự khẳng định giá trị “ Người ta là hoa đất” (Tục ngữ) nâng niu thưởng thức:
Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ
Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh.
Thức những ngôi sao, thức những bóng cành,
Đêm quê hương thương cái hương của đất…

Vâng “Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ” đâu riêng gì anh. Những con dế ngoài đồng ruộng kia, những ngôi sao xanh giữa bầu trời đêm lấp lánh, những bóng cành rợp mát chở che năm tháng đi qua mãi vô tận trong cảm xúc nhà thơ. Chính “Đêm quê hương thương cái hương của đất…” cho anh thức mãi những kỉ niệm về  hương vị của đất trào dâng theo ngọn gió nồm ấm áp nhắc nhở:
Trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi
                  Khi má anh sinh ra
Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
Nên tới già thơ anh còn được đậm đà thấm thía
…”
Phải chăng nơi Vạn Gò Bồi thuở nào với Xuân Diệu là cái tình sâu đậm không thể nào quên! Bởi “trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi”. Dù có cách xa bao nhiêu tính theo chiều dài kilomet, nó là liều thuốc bổ thấm sâu cho đôi mắt anh trong sáng tinh tường, cho trái tim anh rộn ràng nồng thắm . Lòng biết ơn nhắc nhở : “ Ngủ không được bởi nhớ cha tôi là thầy đồ Nghệ/ Đem tôi theo ngồi dạy học các làng”.  “Cha tôi là thầy đồ” thầy làm nghề dạy chữ nho thời trước. Thầy đồ có gốc gác quê hương. Thầy đồ xứ Nghệ yêu lắm miền đất vạn Gò Bồi trù phú đã trở thành ruột thịt khi bước chân dừng lại nơi đây biết “ Gánh tên đất tên làng sau mỗi chuyến di dân”( Nguyễn Khoa Điềm). Nên coi việc tải đạo cho lớp trẻ là trách nhiệm vẻ vang chung của “thầy đồ”. Cái nôi làng quê bé nhỏ nhưng trong tầm nhìn tuổi thơ ngày nào, văn hóa làng xã in đậm dấu ấn khó phai: “Nghe bài chòi cắc cụp cắc ở chợ Tết xã Văn Quang/ Ôm cái cột đình làng Luật Bình rồng lượn…” Dù ở miền quê, chợ Tết rất nhiều trò chơi hấp dẫn lôi cuốn người xem, nhưng với tuổi thơ của cậu bé Bàng (tên thường gọi của Xuân Diệu lúc còn nhỏ) khi nghe bài chòi lại là sức thu hút mạnh mẽ nhất. Những câu hát dân ca bắt nguồn từ điệu hô trong cuộc, người hô thường ngồi trong các chòi tranh tre hễ bên này hô, thì bên kia đáp lại, chẳng hạn bên nữ vừa hô: “ Tiếng đồn anh hay chữ, cho em thử vài lời, ba mươi mùng một sao trời không có trăng?” vừa gõ thanh tre cắc cụp cắc kèm theo nhịp câu hô. Bên nam phải đáp lại, và nếu không đáp được là thua cuộc. Kích thích sự hào hứng hai bên cũng như những người tham dự. Nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian kích thích tư duy ứng xử. Muốn hô – đáp cân xứng là phải tìm hiểu vốn sống từ trong sách vở, thực tế thường ngày. Và nơi đây là điểm gặp gỡ giao lưu trai tài gái sắc nên duyên chồng vợ của ngày xưa ở Nam Trung bộ. Đến giờ còn duy trì ở chơ Gò Tuy Phước trong hai ngày mùng một và mùng hai Tết cổ truyền dân tộc. Tuổi thơ Xuân Diệu còn thích ôm cái cột đình làng Luật Bình rồng lượn như là một trò chơi leo lên tụt xuống, săm soi thích thú vì thấy nó lớn quá so với cột ở nhà, cũng có thể từ nếp“đất có lề” cần duy trì gìn giữ, cũng có thể phép vua vẫn thua lệ làng đó sao! Tất cả nườm nượp như khiêu khích:
Tim ta ơi, ta đố em ngủ được
Khi những buổi trưa của thuở nhỏ lại về…
Đi lượm xoài non rụng với khèo me
Một cái vườn hoang là một địa đàng cho mình khám phá
Có gì hơn mẹ với con, có chi bằng cơm với cá
“Lục lạc kêu rang rảng, bánh tráng bẻ dòn dòn”
Những ngọt bùi của quê má thân thương
Cái sân trường có trái vông đồng rụng xuống

Cái hồn của đoạn thơ trong bức tranh khắc họa một cậu bé bỏ cả ngủ trưa trốn cha, trốn mẹ cùng đám bạn đi lượm xoài non rụng, khèo me rồi hồn nhiên đưa lên miệng ngấu nghiến ngon lành. Những quả chua kích thích dịch vị thèm thuồng đến thế! Tha hồ tự do vui chơi, chuyện trò thỏa thích giữa cái vườn hoang không chủ. Sực nhớ mẹ vội chia tay bạn, quay về: “Có gì hơn mẹ với con, có chi bằng cơm với cá” là hơn cả. Trẻ con có bao giờ muốn xa mẹ. Vắng mẹ một chút là nhớ quay nhớ quắt làm sao. Chỉ có bàn tay mẹ dù tảo tần vất vả bao nhiêu vẫn dành thời gian chăm chút miếng ăn, dạy dỗ mọi điều tốt đẹp mong con khôn lớn nên người. Mẹ còn đeo vào chân con vòng tròn bằng bạc có cái lục lạc kêu rang rảng với ý nghĩ của người xưa trừ tà ma, con không phải bị giật mình để ngon giấc ngủ. Miếng bánh tráng mẹ mua về bẻ nhai dòn dòn thơm phức ngày ấy còn đọng lại đến giờ. Sao hết những ngọt bùi quê má thân thương được. Điều nhớ nhất là “Cái sân trường có trái vông đồng rụng xuống…”. Sân trường rộng với bóng cây vông tỏa mát cho tuổi thơ sau những giờ học trong lớp, là nơi tung tăng nô đùa cùng các bạn. Nhà thơ không gợi tả sắc đỏ hoa phượng mùa hè chia tay, hay sắc đỏ của hoa vông có lá xanh gói nem hay làm thuốc, Xuân Diệu chỉ nhắc đến trái vông đồng rụng xuống. Cho bọn con trai các anh tranh nhau lượm làm bánh xe chạy đua chơi, thú vị nào quên!
Tim ta ơi, ta đố em ngủ được” về hình ảnh thân thương gắn bó kỉ niệm đẹp ngày nào ùa về, quê ngoại đã từng nuôi dưỡng tâm hồn anh trong sáng quá. Những xúc động lòng biết ơn khi thở hơi nước mắm vạn Gò Bồi đến giờ phút trở về Tuy Phước trào dâng trong trái tim vốn nhạy cảm của anh:
Bây giờ Tuy Phước rộng đồng tốt ruộng
Con đê ngăn mặn gió biển ru trời
Đập Thạnh Hoà kênh mương toả xanh tươi
Tiếng trạm bơm động ba hồ chứa nước
Một mảnh thịt của hồn ta – ôi Tuy Phước!
Bà Ngoại ta còn phảng phất ở đâu đây
Bánh ít lá gai, bánh ú mập đầy,
Hoa quả bốn mùa cũng từ ngoại mà ra tất cả…
Niềm vui dào dạt trước cảnh yên bình hiện ra trước mắt. Đó là con đê Khu Đông chạy dài ngăn mặn từ biển tràn vào, có đập Thạnh Hòa kiên cố giữ nước tưới tiêu cho mùa lúa bội thu, cho hoa quả xanh tươi. Anh yêu quá Một mảnh thịt của hồn ta – ôi Tuy Phước! Anh đang tận hưởng màu xanh trải dài tiếp nối từ biển trời đến ruộng đồng nơi khúc ruột tình quê. Giờ còn đâu để gọi ngoại ơi như thuở nào, cho ngoại tận hưởng không khí trong lành như hôm nay. Lòng biết ơn ngoại đã sinh ra mẹ, lòng biết ơn mẹ đã sinh ra anh. Biết ơn tấm lòng những người phụ nữ nhân hậu, giàu đức hi sinh như ngoại, như mẹ cho Bánh ít lá gai, bánh ú mập đầy/ Hoa quả bốn mùa cũng từ ngoại mà ra tất cả….
Xuân Diệu đã thật với lòng mình:
Đêm ngủ ở Tuy Phước để mà không ngủ
Thức với quê hương như vậy đã vừa đâu
Xin thơ ta được thức mãi về sau.
Với Tuy Phước, ngày nào còn đất nước

Đêm ngủ ở Tuy Phước để mà không ngủ” Câu thơ được lặp lại từ khổ thơ đầu nào phải bộc bạch giải bày hay mong được sẻ chia. Chính cảm xúc rộn ràng trong trái tim “cậu bé” về thăm quê ngoại. Những náo nức tuổi thơ ùa về sao ngăn được. Những khởi sắc quê hương sau ngày thống nhất đất nước. Nên không ngủ, ngủ không được, đố em ngủ đượcthức suốt năm canh, thức những ngôi sao, thức những lá cành,thức với quê hương như vậy đã vừa đâu, rồi Xin thơ ta được thức mãi về sau. Phải chăng những trăn trở suy tư của tâm hồn nhạy cảm khát khao cuộc sống, tin yêu đủ đầy, trào dâng lên giữa quê nhà trong tứ thơ anh. Có sao nói vậy, nghĩ sao thì viết vậy, không hề giấu diếm điều gì. Tình trước sau vẫn như một. Cũng có thể là sâu sắc mặn mà hơn thế kia. Đấy là phong cách thơ Xuân Diệu nên từng con chữ, câu từ như con sóng dạt dào trân trọng “Hôn mãi ngàn năm không thỏa” niềm tự hào đất nước, trong đó Gò Bồi Tuy Phước chính là máu thịt ruột rà Anh. Nơi đã ươm mầm xanh tỏa hương kết trái cho người con Tuy Phước, Việt Nam: Xuân Diệu. “Đêm ngủ ở Tuy Phước” là thực tế được viết trong lần về thăm quê nhà. Cuối bài Anh ghi lại hai khoảng thời gian (16/2/1982 – 25/2/1985).
Người Tuy Phước nhớ Xuân Diệu là nhớ đến “Đêm ngủ ở Tuy Phước”, là Thức với quê hương mình.
14.12.2011/ Nguyễn Thị Phụng.

Read Full Post »

Nguyễn Thị Phụng

TỰ TÌNH MỘT TRÁI TIM

Ô hay, sao vội yêu người!
Mà người…vẫn vậy nói lời gì đâu
Gió buồn trăn trở đêm thâu
Câu thơ rơi gãy nhịp cầu Ô xưa…

 

TIẾNG CƯỜI RƠI LẠI

Tiếng cười rơi lại đâu đây
Em xin nhặt hết đong đầy chiêm bao
Mùa đông giá rét thế nào
Tiếng cười ấm cả trời cao nữa là…

 

NGÁT HƯƠNG
Mùa về mùi rạ mùi rơm
Lúa vàng tròn mẩy hương cơm thơm ngần
Sớm chiều mưa tảo nắng tần
Bao nhiều hạt gạo bấy lần mồ hôi
Mùa hương quang gánh chung đôi
Rộn ràng rơm rạ một đời gió sương…

Read Full Post »

Đôi tay buồn

Nguyễn Thị Phụng

Phải xin lỗi đôi tay buồn quờ quạng
Cuốc kêu chi khắc khoải giữa đêm trường
Trăng cuối tuần sương giá buốt đoài non
Đêm chập chững lối mòn nghiêng ngã

Phải xin lỗi đôi tay buồn mới lạ
Mùa đi qua năm ngón lại hao gầy
Trái đất tròn say mãi phải lăn quay
Ôi thương quá đôi tay buồn thao thức!

Read Full Post »

Trăng mơ


Nguyễn Thị Phụng

 

https://i0.wp.com/farm3.anhso.net/upload/20110929/11/o/anhso-115159_DSC06144.jpg
Cũng là trăng mà hôm rằm tháng tám
Trống rộn ràng vang tận mây xanh
Cũng là trăng mà đông chí rét căm
Chỉ côn trùng rộn rã…

Dù vẫn biết tình đời như thế cả
Trăng mặc nhiên hiện hữu giữa trần gian
Bởi thương mình nên chẳng thở cùng than
Ai muốn bảo trăng già non cũng được!

Vâng đã yêu trăng đâu hề từ khướt
Đêm dịu dàng đằm thắm nên thơ
Suốt bốn mùa trăn trở ước mơ
Như trái đất chung tình mà thích nhỉ!…

Read Full Post »

Older Posts »