Thanh Nguyên

Đi qua các nẻo đường của quê hương . Từ Thăng Long về đến Bình Định. Đâu đâu tôi cũng thấy như còn in gót hài của Huyền Trân công chúa. Một lần nọ ra đi, tôi theo dấu chân của người và nhận ra ngàn ngàn tâm sự.
Nàng vốn trắng trong hồn thơ mộng. Đi, là đi theo lệnh phụ hòang, và đi cho trọn chữ hiếu, chữ tòng tự nghìn xưa. Đi rồi, mới nhận ra cái nghĩa cử vị đại nghiệp, vị non sông.
Trên đường thiên lý, tôi được nghe những lời kể từ dân chúng, tôi được nghe những câu ca dao, những bài dân ca viết về Huyền Trân rất đậm đà và trìu mến. Dân ta, nhất là dân thuộc dãi đất miền Trung, rất yêu mến và nặng ơn nghĩa với nàng. Nhưng cũng còn nhiều thêu dệt oan khiên trong dân chúng, do chính sử thiếu dữ kiện…
(I).
Xuân thì, xanh mộng chốn lầu son
Một vóc ngà thơm, thân Quế non
Một hồn trong trắng vô tư lự
Đã biết đâu mà nợ nước non.
(II).
Duyên ước phụ hòang trót lỡ tuyên
Đã đành công chúa, cũng thuyền quyên
Bến trong bến đục âu đành vậy
Một mảnh sơn hà đổi chữ duyên
Về Thăng Long, tôi như nhìn thấy nàng từ biệt kinh thành một sớm mờ sương. Bịn rịn với người thương và cảnh cũ… Thân gái rồi đây sẽ dặm trường. Chưa đi đã cảm nhận và lo sợ sự lạnh lẽo đìu hiu của nơi đến. Đọan đường sắp tới là cõi phúc hay là nẻo đọan trường đầy sầu tư và mong nhớ ?
(III).
Thăng Long bịn rịn sớm mờ sương
Từ nay đất khách một thân nương
Hòang cung tráng lệ đìu hiu lạnh
Nhung gấm huy hòang nhạt tình thương
Vượt sông Đáy, qua đất Ninh Bình, đứng trên đèo Tam Điệp, thế mà đã như xa lắm rồi cái cảnh cũ ngày thơ. Tìm xem về phía xa mờ. Có còn nữa bóng Ba Vì xanh thẳm ?
(IV).
Con đường thiên lý xuôi về đâu
Rừng núi đìu hiu mấy dáng sầu
Đèo cao Tam Điệp tìm đâu thấy
Hình bóng Ba Vì khuất chìm sâu
Qua Thanh Hóa nghe tiếng sóng thét gầm, mới biết mình đi để trả nợ nước non. Cho chiến chinh thôi hết lan tràn . Cho xương máu thôi rơi. Cho sông Mã thôi thét gầm uất hận.
(V).
Đàn sếu sang sông buông tiếng sầu
Sông Mã thét gầm nhắc niềm đau
Việt Chăm mấy thuở chinh chiến lọan
Đi, để thanh bình mãi về sau
Qua Hà Tĩnh. Dừng ngắm chín mươi chín ngọn phủ mây mờ . Hồng Lĩnh mây tóc bạc phơ phơ, mới sực thương thân phận trẻ. Về xứ lạ sẽ trọn duyên mong ước hay sẽ tan nát cõi xuân thì ? Sứ giả, tùy tùng có biết đâu lệ đã được nuốt vào trong, cho mặt mày rạng rỡ bước vu qui, sau mảnh má hồng cố giấu nét sầu bi mà vui gượng ?
(VI).
Phận gái đâu bì chí nam nhi
Tòng phu tòng phụ phải ra đi
Bạc phơ mái tóc mây Hồng Lĩnh
Giả vui, nuốt lệ tiếc xuân thì
Bình nguyên phù sa sông Cả luyến tiếc vì không giữ được chân nàng. Hòanh Sơn những tưởng dang cánh tay về đông là ngăn được, không cho nàng về xứ lạ. Ngăn không được. Thôi đành giữ lấy những dấu hài để ngàn năm sau nhắc nhớ …
Vùng Quảng Bình tự ngàn xưa vẫn vang vang điệu hò khoan Lệ Thủy. Kéo chài, tát nước, gì gì cũng hò khoan cho sức thêm tươi. Chân nàng qua, dân vụt tắt tiếng cười. Giọng nghèn nghẹn những câu hò đưa tiễn . Về lại chăng ? Hay sẽ là vĩnh viễn ? Những lệ trào trên sóng Nhật Lệ Giang.
(VII).
Bình nguyên luyến tiếc bước chân qua
Hòanh Sơn lưu giữ dấu chân ngà
Hò khoan nghèn nghẹn trong câu hát
Nước mắt dân lành Nhật Lệ sa
Qua Quảng Trị, vào Thừa Thiên. Đây là mảnh đất vùng biên Chăm-Việt. Địa đầu của Châu Ô châu Lý . Ở cái ranh giới quá rõ ràng từ mảnh đất mới sính dâng. Vượt một tí sẽ đi vào miền đất khách. Sứ giả, tùy tùng thôi cũng mặc !. Giấu nữa sao được? Nhưng mà giấu để mà chi ? Mặc cho giòng lệ người đi tuôn tràn. Thôi thì thôi nhé giang san. Hồn ta lịm chết can tràng quặn đau. Người thân, thôi vĩnh biệt nhau. Biết còn có một kiếp sau sum vầy ?
(VIII).
Bóng chiều nhuộm úa mấy đồi nương
Biên giới là đây hỡi quê hương
Hải Vân ngỏanh lại chùng chân bước
Lệ ứa che mờ mấy khói sương
… Sau cơn quặn thắt, người muốn hay không muốn cũng phải về với thực tại. Chân bước vào vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, lòng bỗng thấy nguôi ngoai như bước trên vùng quê hương quen thuộc. Cảnh trí non sông và đời sống dân Chăm cũng hiền hòa thân ái như chốn quê nhà. Cổ Lũy Cô Thôn cũng bóng tre, bóng dừa xanh mát. Lúa mượt mà thơm ngát vị quê hương. Cũng sáo diều hiu hắt gợi niềm thương. Cũng mái tranh khói vương chiều kỷ niệm. Cũng hình ảnh trâu cày trong hòai niệm. Cũng chợ chiều nắng lịm buổi hòang hôn. Cũng gập gềnh đường đất về xóm thôn. Cũng ngai ngái phân chuồng ven lối nhỏ. Cũng trẻ thơ nô đùa nơi đầu ngõ. Cũng trâu về giục mõ tiếng râm ran… Cũng thôn nữ bên bến nước bi bô. Cũng trai làng hiền khô theo bỡn cợt … Hình ảnh ấy một lần thôi, bất chợt. Cũng rưng rưng, rưng rức bóng quê nhà.
(IX).
Cổ Lũy Cô Thôn xanh bóng dừa
Sáo diều vi vút gọi ngày xưa
Ngày xưa nhung gấm nàng công chúa
Thơ mộng ngày xưa thương mấy vừa
(X).
Sóng biếc Sa Hùynh ngàn ngút xa
Từ đây bình lặng hết can qua
Chữ tòng tự dặn lòng chung thủy
Ấm êm bờ cõi nước non nhà
Về Đồ Bàn là người đã hòan thành những bước đi sứ mệnh. Dân chúng hai miền sẽ được hát khúc âu ca. Đại Việt sẽ thanh bình một thuở để chuẩn bị cho công cuộc phát triển về lâu dài. Có biết đâu riêng một người con lẻ, trong hòang cung buồn tẻ tuổi xuân thì.
(XI).
Đồ Bàn thành lũy hóa khuê trung
Khóa một hồng nhan chốn muôn trùng
Đại Việt nước ơi hay chăng nhẽ
Có người con lẻ trọn niềm trung
(XII).
Non nước ngàn thu có nhớ không
Vì ai thân Quế phải long đong
Vì ai ngọc trắng vùi đất lạ
Son phấn lạt phai mảnh má hồng.
Thanh Nguyên.
VTM
(Mời các bạn clik vào link này để thưởng thức độc tấu đàn tranh của Thiên Kim trong nhạc phẩm TÌNH SỬ HUYỀN TRÂN của Vũ Thanh):
http://www.vuthanhquockhanh.com/apps/podcast/podcast/198282
Read Full Post »