Chùm tạp bút của Đặng Thiên Sơn:

Thức với những đêm mưa
Đã bao giờ bạn thức trắng một đêm thu để đếm những hạt mưa rơi ngoài hiên chưa? Tôi nghĩ những ai đã đến tuổi yêu, bước qua thời sinh viên, nhất là những người đa sầu đa cảm như cánh văn chương thì đã từng có những đêm như thế rồi. Tôi thì đã có nhiều đêm như thế. Cảm xúc, nỗi trăn trở của mỗi thời đều có sự khác nhau, nhưng chung quy lại là buồn và có gì đó lành lạnh.
Thuở tôi còn nhỏ, nhà tôi nghèo khó lắm, mái tranh, vách đất. Mà không riêng gì nhà tôi, cả quê tôi đều khó khăn như thế. Có điều nhà tôi ở sát một cái đầm lớn, bốn phía là đồng ruộng, chưa mưa gió đã rít từng hồi, tốc mái tranh tơi tả. Một trận lụt tháng tám đã khiến con đập nhỏ bị vỡ đê, nước ùa về dâng đến nửa cái cột cái. Mẹ tôi cõng hai đứa em lên nhà nội sát trên mé đồi tránh lụt từ chiều, ở nhà chỉ còn mỗi tôi và cha. Nước dâng nhanh quá, cha vật lộn với thuỷ thần, kê một số đồ đạc lên cao, sau cùng là đến lượt giải thoát cho tôi. Nhưng cha sợ một tay ôm tôi, một tay bơi sẽ không thắng được dòng nước chảy xiết, nên cha gác hai miếng ván lên cao đặt tôi trên đó rồi bơi qua chỗ cao mượn xuồng hai cha con vào bờ an toàn hơn. Cha bơi đi trong đêm tối để tôi lại với màn đêm đen đặc, mưa ngoài trời nhẹ hạt hơn, tôi nghe rõ từng hạt lúng búng trên mặt nước. Tôi sợ lắm nhưng không dám kêu ai. Vì có kêu lúc ấy cũng chẳng ai nghe thấy. Tôi chọn phương án ngồi im nghe mưa và chờ cha trở lại cứu mình.
Khi vào Quy Nhơn trọ học, tôi có nhiều hơn những đêm mùa thu thức trắng để đếm mưa rơi. Mưa Quy Nhơn không kéo dài thành lụt như quê tôi, cũng không đến nỗi thối đất thối đai như mưa thu ở Huế, không nhanh và ráo hoảnh như mưa Sài Gòn. Mưa Quy Nhơn buồn lắm. Tôi đã từng đùa với một cô bạn ở Trường Viết văn Nguyễn Du khi cô ấy tới Quy Nhơn: “Giá như trường viết văn bọn em mà đóng ở Quy Nhơn chắc sẽ có nhiều hơn những tác phẩm hay để đời.” Nói như thế là vì Quy Nhơn có địa hình sơn thuỷ hữu tình. Đặc biệt mùa mưa Quy Nhơn khiến người ta rất dễ cảm, dễ rung động với vạn vật xung quanh. Đến như cái thằng tôi, trước khi vào Đại học chưa viết nổi một câu thơ. Thế mà ra trường cũng đã thai nghén được một tập khiêm tốn đủ để giãi bày lòng mình với đất và người xứ ấy. Ở Quy Nhơn tôi có những đêm sinh viên nhớ nhà da diết, nhất là khi những hạt mưa rả rích trên mái ngói ký túc xá, tôi thức sáng đêm nhớ mẹ… Rồi sau này có người yêu, tôi lại thức với mưa thu thổn thức về nàng…
Bây giờ tôi đã đi xa Quy Nhơn, quê hương và tuổi thơ lại càng xa hơn nữa. Tôi lại ngồi với một đêm mưa thu ở xứ Bắc, lắng nghe những hạt mưa rả rích ngoài kia, lòng tôi lại miên man nhớ tới những đêm mưa thu đã đi qua đời mình. Rồi tôi chợt nghĩ, nếu không có những hạt mưa kia, không có những đêm mùa thu thức trắng, biết đâu mình lại vô tâm với quá khứ của đời mình.
Tháng sáu, tôi về thăm quê, mùa gặt vừa đi qua. Mùi thơm của rơm mới, mùi ngai ngái của gốc rạ thoang thoảng trong cánh mũi đánh thức một miền tuổi thơ hiện về nguyên vẹn như mới hôm qua. Ngày ấy cứ tới mùa gặt, lũ trẻ trâu chúng tôi lại được trải nghiệm nhiều công việc mà đến bây giờ vẫn không thể quên được.
Khi những bông lúa ngả vàng, chân ruộng được tháo nước để khi lúa chín việc gặt hái khô ráo và thuận tiện hơn. Những thửa ruộng ở gần các ao, hồ hoặc chỗ thấp nước rút chậm nên cá thia lia, cá rô, cá lóc dồn về nhiều vô kể. Trưa nào, chúng tôi cũng mang cần câu, lờ, đó… ra những vuông ruộng thấp để bắt cá.
Phía thấp nhất của thửa ruộng, chúng tôi đào một mương sâu ngang bờ men để nước thoát ra và dùng những chiếc đó để đón cá. Trên bờ ruộng chúng tôi cắm cần câu để nhử cá rô, cá lóc. Ở sát mép bờ ruộng, chúng tôi đào những hố sâu để khi nước rút hết cá sẽ dồn về chỉ cần một chiếc rổ nhỏ là có thể chao được cá. Rong ruổi một buổi trưa mỗi đứa cũng được một giỏ cá đầy. Cá lớn mẹ làm thịt nấu ăn liền trong ngày. Cá nhỏ phơi trong nắng cho khô để dành vào mùa mưa rim lên ăn, hoặc dùng để nấu canh khế, canh me rất ngon.
Khi lúa được gặt xong chúng tôi thỏa thêu thả trâu tự do giữa cánh đồng rộng mênh mông mà không cần phải lo bảo vệ bắt phạt. Và thế là đứa nào đứa ấy lại mải mê với những con diều sáo, chiếc cần câu từ sáng tới lúc mặt trời xuống núi mới về nhà. Có hôm mải mê, thả diều, đá bóng để trâu đi lạc sang cánh đồng của làng khác, tôi mếu máo chạy về nhà mách mẹ đi tìm. Sợ mẹ đánh nên suốt cả buổi tối tôi đứng núp ở ngoài cửa không dám vào ăn cơm. Đến khi mẹ ăn xong ra giê lúa tôi mới rón rén vào lục nồi xem thử còn thức gì ăn được không.
Ở quê tôi sau khi gặt xong rạ được cắt và chụm thành bu phơi tới khô mới đem về nhà. Rạ cắt xong lũ cua đồng, lũ nhái hết chỗ trú ẩn chui vào những bu rạ đào hang trú tạm. Dưới những bu rạ cũng là chỗ đất ẩm thích hợp để lươn ẩn náu. Vui nhất là những ngày chúng tôi đi dời bu rạ để bắt cua, bắt nhái và đào lươn. Những gốc rạ có ụ đất nhô lên, có nhiều lỗ thông hơi, chỉ cần cắm nhẹ hai ngón tay xuống là có thể lôi lên một chú lươn béo vàng…
Lúc những hạt lúa được phơi khén, đưa vào rương để dự trữ ăn dần, hoặc bán lấy tiền khi nhà có công việc thì mùa gặt cũng đi qua. Mẹ nhấm những đống lép và rơm rạ vương vãi còn sót lại khói bay mù mịt một khoảng trời. Đó cũng là những ngày giữa tháng năm, chúng tôi đi chăn trâu đêm, hít hà khí trời, hát đồng dao về chú Cuội chị Hằng, chơi trò chơi Dung dăng dung dẻ…
Khi Nước từ hồ lớn đổ về làm những thớ đất cày thiếu nước vỡ xèo xèo, chỉ cần mấy cái dậm chân đã thành bùn non, quê tôi bước vào một mùa vụ mới. Lũ trẻ chúng tôi lại lùa đàn trâu vào rừng chăn thả, hái sim, hái mua, trải lòng với tiếng ve của những ngày cuối hạ.
Thương hoài miền tuổi thơ
Đêm nay xuống phố, hai bên đường những gian hàng bày bán bánh trung thu với những chiếc hộp đỏ tươi trông rất bắt mắt, lũ trẻ con đã đánh trống múa lân, trên đỉnh trời vầng trăng nghiêng nghiêng tỏa sáng. Thế là mùa trung thu đã về. Mùa trẻ con thả hồn vào những trò chơi ngộ nghĩnh. Mùa người lớn nhớ về một góc quê nhà nơi đã có một miền tuổi thơ dấu yêu.
Ngày xưa, khi mỗi mùa trung thu về, nội tôi mất cả buổi chiều vót tre làm cho bọn tôi những chiếc sao vàng năm cách xanh đỏ đủ màu, vừa làm nội vừa kể chuyện chị Hằng, chú Cuội cho đám cháu vây quanh. Ngày ấy, không có đầu lân, mặt ông địa hay những thứ mặt nạ bằng nhựa như bây giờ, chúng tôi lấy những chiếc mo cau cắt thành đủ mọi hình người, có đứa lấy nhọ nồi vẽ nên đủ thứ hình hài kỳ thú. Chúng tôi nghiền bột than của cây xoan rồi gói vào giấy nén, đến đúng đêm rằm đốt lên làm pháo bông, vậy mà trông cũng đẹp mê hồn.
Không có tiền mua giấy bóng gương hay giấy màu làm đèn ông sao, chúng tôi lấy những cái ống mực thủy tinh rồi bắt đom đóm thả vào làm cho chiếc đèn nhấp nháy. Cứ thế, những đêm trăng, chúng tôi nối đuôi nhau thành những con rồng dài hàng chục mét. Người đi đầu đánh trống bọc bằng da trâu. Theo nhịp trống, chúng tôi hát những bài đồng dao, đi khắp từ làng trên xuống xóm dưới cho đến lúc chị Hằng sắp đi ngủ mới quay về nhà.
Trung thu về, mẹ tôi và những người hàng xóm lại chuẩn bị nếp để hông xôi. Mẹ tôi bảo, phải chọn loại nếp có thân cao gần một mét, vỏ trấu màu nâu thì hông xôi mới ngon. Nồi xôi đêm trung thu mở ra, ai cũng hít hà khen. Mâm cỗ trung thu thuở nhỏ của chúng tôi phía dưới là một lớp xôi, còn bên trên là các loại quả hái ngay trong vườn nhà. Hồi hộp nhất là lúc chờ đợi chị phụ trách Đội đọc lời phá cỗ. Sau khi phá cỗ, chúng tôi được chia mỗi đứa một phần xôi làm quà bằng một phần hai chiếc bánh trung thu bây giờ. Thế mà đứa nào cũng rất vui, không dám ăn liền, phải để dành đem về khoe với ông bà cha mẹ, sáng hôm sau thức giấc mới ăn. Mùa trung thu ở quê thời ấy thường kéo dài hết tuần trăng tháng tám.
Thời gian qua nhanh như cơn gió thoảng. Tối nay, khi nhìn bọn trẻ múa lân, nhìn mọi người cầm trên tay những món quà trung thu xinh xắn, tôi lại ngước lên trời cao nhìn chị Hằng chú Cuội, bồi hồi nhớ lại miền tuổi thơ yêu dấu một thời…
Đặng Thiên Sơn
Read Full Post »