Bửu Nam
.
1- TỪ THƠ PHẢN CHIẾN ĐẾN TẠP BÚT VÀ THƠ TRỮ TÌNH CHIÊM NGHIỆM
Nguyễn Công Thắng trước 1975 thường làm thơ phản chiến , kêu gọi hoà bình và thể hiện tình tự dân tộc .
Thơ của ông thường đăng trên các tờ báo của học sinh sinh viên tranh đấu và nổi tiếng nhất là bài thơ “Đứa bé và ổ bánh mì” thường được in lại nhiều lần trong các tuyển thi ca của phong trào đô thị .
Bài thơ này với giọng thơ cay đắng chua xót , xót xa,mỉa mai về một lối học vẹt ,tố cáo sự bất công của xã hội đối với trẻ em nghèo và nêu thực trạng của một đất nước bị chiến tranh tàn phá.
Sau 1975, ông làm thơ ít đi mà chuyên viết về tạp bút có hơi hướng chính luận , báo chí trong hai tập “Con mắt dọc đường” ( Nxb Trẻ,2008)và “Vẩn vơ nơi ga xép “ (Nxb Trẻ 2018)nêu lên nhiều vấn đề xã hội văn hoá mang tính thời sự và có giọng tranh luận, hoặc khơi gợi được nhiều sự suy nghĩ của độc giả.
Tuy vậy, thơ ca gắn bó suốt đời của ông . Nó nói lên nỗi lòng của ông , tâm sự về những trăn trở, thao thức của tâm hồn ông về nhiều mặt của đời sống riêng cũng như đời sống xã hội bề bộn, ngổn ngang chung.
Nhiều bài thơ của ông đã đăng trên các trang văn nghệ của các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và sau này ông gởi đăng nhiều chùm thơ có chất lượng nghệ thuật tới các tạp chí văn nghệ có uy tín như Tạp Chí Sông Hương, Tạp chí Thơ của Hội Nhà Văn.
Những bài thơ này được ông gom lại trong tập thơ “Ngồi thấy xa xăm và các bài thơ khác” ( Nxb Hội Nhà Văn, 2016 )( NTXX)
2- “NGỒI THẤY XA XĂM VÀ CÁC BÀI THƠ KHÁC”: TẬP THƠ KẾT TINH MỘT ĐỜI NGƯỜI LÀM THƠ
Tập thơ NTXX này là kết tinh của một đời làm thơ của Nguyễn Công Thắng, nó được chọn lọc và tinh tuyển để không có bài nào dở hoặc trung bình. Chỉ vọn vẹn có 29 bài, nhưng tập thơ “Ngồi thấy xa xăm và các bài thơ khác” lại thể hiện một thế giới thơ độc đáo với một bút pháp riêng , điêu luyện trong cách sử dụng và vận hành ngôn từ một cách ma mị trong một thứ nhạc điệu riêng của tâm hồn ,gây được xao xuyến trong lòng người đọc.
Có thể nói thế giới thơ của ông gắn liền với tâm thức thơ đầy nỗi niềm tâm sự của kẻ bị lưu đày ở thế gian, lưu lạc phương xa mưu sinh trong một nghịch cảnh xã hội nhiều biến động. Tâm thức thơ này bị đẩy đưa vào một cõi nhân gian đầy bất trắc phấp phỏng ,và trong cõi người ta này, nhiều ảo tưởng thời thanh xuân của ông bị vỡ tan .
Cho nên tập thơ này của ông , thơ của một người đã già , đã gần đất xa trời, cuối đời ngồi chiêm nghiệm hồi nhớ lại những quãng đời mình đã sống, đã thở , đã mơ , ngay cả một thời trẻ dại xa lắc .
3- VỀ HÌNH THỨC VÀ CÁC THỂ THƠ ĐƯỢC SỬ DỤNG
Về hình thức thơ, Nguyễn Công Thắng sử dụng nhuần nhị và tài hoa các thể thơ cố định 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, thơ lục bát, ( trong đó hai thể thơ lục bát và thơ năm chữ được ông hay dùng). Nhưng điểm nổi bật nhất là ông thích sử dụng thể thơ tự do và chính thể thơ này cái tôi trữ tình chiêm nghiệm của ông tung hoành thoải mái và thể hiện được nhiều nỗi lòng của ông nhất và chính các bài thơ thuộc thể này có đóng góp mang tính cách tân so với các thể thơ cố định.
Về cấu trúc các thể thơ trong tập NTXX ,ta có thể nhận thấy qua thống kê như sau :
-Thơ bốn chữ (1 bài , “Nhiều khi thấy núi”)
-Thơ sáu chữ ( 3 bài,”Mùa thu chết- giã biệt”, “ Về với biển”, “ Từ biệt “)
-Thơ bảy chữ (1 bài,”Đêm nghe sông chảy”)
-Thơ lục bát (5 bài, “ Một mai én nhỏ”, “Đồi núi ngập ngừng”,”Bởi vì”,”Một mình”, “Điệp khúc ru người “)
-Thơ năm chữ (10 bài,” Nhủ thầm trên bước chân”,”Hoa quỳ dại ở Đơn Dương”,” của Tiếng vỗ một bàn tay”,”Chờ em chiều cuối năm” …) đặc biệt trong đó là chùm thơ ngắn 5 chữ “Ngày tháng Huế”( “Cổ thành”,”Bên sông”,Đường áo trắng”, “Hương oanh trảo”, “Trên đồi”, “Mưa qua cầu”)
-Thơ tự do (13 bài, mỗi bài thường hai ba trang, như các bài: “Ban mai thong thả, “Tình khúc “,Người chơi kèn Sa Xô và cơn sốt đen”, “Ngồi thấy xa xăm “, “Blues mưa”,Trò chuyện với đại bàng con”,”Lệ đỏ”,”Bài hành cuối năm Tuất”,”Em và hoa trái”, “Có một ngày vui như thế “, “Khúc nguyện cầu-hạn mặn”,”Xin lỗi,hoa dại”,”Cà phê đen mùa đông”…)
Ngoài ra, có thể nói, thủ pháp sử dụng các điệp ngữ , điệp câu và từ láy tạo nên một điểm nhấn của tính nhạc đặc biệt trong thế giới thơ Nguyễn Công Thắng
4- “CỦA TIN CÒN MỘT CHÚT NÀY…”
Mở đầu tập thơ NTXX là một bài thơ lục bát ngắn 6 câu , “ Một mai én nhỏ “,nhưng là một lời tâm sự đầy tiên cảm về lẽ mất-còn, sự có-không của cuộc đời và thế gian. Nhà thơ tự ví linh hồn mình mình như một cánh én nhỏ trong mùa xuân rộng lớn cuộc đời, một ngày nào đó ,én sẽ lìa đường bay để đến với cõi vĩnh hằng vô tận và tập thơ như một lời chiêu hồn , gọi hồn :
“một mai lạc phố quên đường ,theo con én nhỏ tìm phương mà về,một mai rồi một mai kia,thôi con én nhỏ đã lìa đường bay,
một mai rồi một mai này,tìm con én nhỏ giữa ngày mộng du”
Đây là một bài thơ đầy triết lý chiêm nghiệm mang tính bản thể,nó như được phóng vọt từ cõi vô thức thẳm sâu của cái tôi trữ tình nhà thơ . Với cách sử dụng điệp ngữ thời gian phiếm chỉ một mai ( 6 lần) , biểu tượng chim én ( 3 lần), quên (2 lần), tìm (2 lần), thời gian phiếm chỉ đối lập “rày”, “kia”, phối hợp giữa lạc (phố), quên ( đường) , tìm phương, tìm quên và “cõi mộng du” ,bài thơ dù chỉ 6 câu đã mở ra nhiều cách đọc, và trở nên lung linh đa nghĩa . Tính đa nghĩa cũng là bản chất thế giới thơ của thi sĩ này.
Kết thúc tập thơ cũng là một bài thơ lục bát “ Điệp khúc ru người” đầy nỗi niềm tâm sự mang âm hưởng ca từ của Trịnh Công Sơn và thơ lục bát của tập Lửa Thiêng ( Huy Cận)
“ ru người lạc mấy tao nôi,bơ vơ câu hát, bồi hồi nhịp đưa, ru người phiêu bạt cuối mùa,về nghe lá đổ vườn xưa ngập lòng,ru người qua cuộc bão giông ,còn đây vạt nắng ươm hồng ngày mai, ru người thao thức đêm dài,dịu dàng mưa nhỏ rơi ngoài mái hiên, ru người mắt đẫm lệ phiền,nhân gian thôi cũng một miền xót thương”
Sáu điệp khúc ru người cũng là sáu điệp khúc nhà thơ ru mình qua cuộc bão giông và phiêu bạt thế gian để đọng lại hình ảnh của cái tôi thẳm sâu của nhà thơ “mắt đẫm lệ phiền” và “xót thương cho cõi nhân gian” đã từ biệt, khép lại hồn một tập thơ .
Thơ đối với thi sĩ là thế giới còn lại lắng đọng trong tâm thức để :
“ tôi còn ngồi giữa cỏ cây, vu vơ hát tặng tháng ngày đảo điên(…) ,tôi còn ru mãi tình thơ, dù thời xanh chỉ một thời thoáng qua(…)bỏ quên ngày tháng phiêu bồng, tôi còn ở lại giữa miền nhân gian” ( bài lục bát “bởi vì”)
Đôi khi,nhà thơ đã dự cảm: “về trong bụi đỏ sương ngàn, cõi trăm năm bỗng bàng hoàng mây qua” ( bài thơ lục bát “ đồi núi ngập ngừng”)
Nguyễn Công Thắng đã từ giã cõi thế gian tháng 12 năm 2021 của năm rồi, năm năm sau khi tập thơ NTXX này được ấn hành.
Thơ lục bát của Nguyễn Công Thắng điêu luyện không kém gì thơ của Huy Cận, nhưng rõ ràng mang một dấu ấn riêng vì thế giới thơ của ông đã trải qua tâm thức hiện sinh và đã phần nào chịu ảnh hưởng của thơ lục bát của Bùi Giáng, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn … một kiểu thơ lục bát về thân phận con người .
5- THƠ 5 CHỮ , 6 CHỮ , THƠ CỦA SỰ CHIÊM NGHIỆM TRONG CÕI LẶNG “BUỒN TỚI BAO GIỜ “
Thơ năm chữ cũng là kiểu thơ thi sĩ ưa thích, nó thể hiện sâu xa sự chiêm nghiệm từ một thế giới cảm xúc lắng đọng được kết tinh :
“nhè nhẹ nhè nhẹ thôi,bụi lên mờ ký ức,tiếng đàn xưa đã bặt,giữa huyên náo chợ đời(…)nhè nhẹ nhè nhẹ thôi, lá khô ngoài hiên vắng,người ngồi im với bóng, môi đau đã xa lời,nhè nhẹ bàn chân ơi “ ( bài thơ”nhủ thầm trên mỗi bước chân”)
Hoặc đầy tính triết lý chiêm nghiệm thiền , mang tính dự cảm về cái chết để lại sự lẻ loi cho người vợ yêu dấu trong bài thơ “ Tiếng vỗ một bàn tay”:
“vỗ vào đêm thinh lặng,nghe một tiếng thở dài(…) vỗ mây xa biền biệt,rớt lại tiếng hư không (…), vỗ bàn tay lẻ đôi, nghe vọng về tiếng khóc “
Các vùng đất Đơn Dương và Huế , nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và sáng tác, cũng là vùng đất thẩm mỹ đối với thơ 5 chữ của Nguyễn Công Thắng, tuy nhiên ông chú ý những nét hết sức đặc biệt của các vùng đất đó. Chẳng hạn vùng Đơn Dương ông ghi lại ấn tượng cảm xúc hoa quỳ vàng:
“thoáng rồi xa xa mãi,Đơn Dương ơi Đơn Dương,rực vàng hoa quỳ dại,chiều vàng trôi trên đường(…) Đơn Dương ơi Đơn Dương, thoáng rồi xa biền biệt,trái thông rơi ngẩn ngơ,miền hoa quỳ tha thiết, để bâng khuâng bây giờ”( Hoa quỳ dại ở Đơn Dương)
Riêng Huế là nơi Nguyễn Công Thắng đã từng sống hơn mười năm , từ thời học lớp 12 C Quốc Học, cho đến 4,5 năm ở Đại Học và 4 năm dạy ở trường ĐHSP Huế, gốc gác thân sinh của Thắng cũng là người Huế gốc , vùng Kim Long, nên ngày tháng ở Huế đối với ông trở thành một ký ức thẳm sâu . Ông đã viết 6 bài thơ 5 chữ ngắn, 4 câu, mang tên chung là “Ngày Tháng Huế”, dù mỗi bài đều có nhan đề riêng. Chẳng hạn như bài “Cổ Thành” dưới đây, ông khắc họa nét nhấn “màu rêu thẩm cổ tích”và “tiếng chim rơi trong cô tịch cổ thành”:
“chiều nào như chiều xưa,rêu thẩm màu cổ tích,tiếng chim rơi cô tịch,vang động cả miền xanh”
Hoặc hình ảnh và màu sắc thật đẹp trong bài “đường áo trắng” : “đường xanh thơm lá ngọc, áo trắng về như mây,phượng đỏ
bừng nắng hạ,đường tương tư thở dài”
Mưa cũng là đặc sản Huế trong bài thơ” Mưa qua cầu”
“mưa mù sông mù phố,qua cầu lạnh bàn tay,buồn mưa không vuốt kịp ,để trôi theo sông dài”
Bài thơ 6 chữ “Về với biển” là bài thơ ghi lại quãng thời gian ông sống và dạy học ở Đại học Sư Phạm Quy Nhơn năm 1981,cũng là bài thơ khá hay ,tâm sự nỗi lòng : “từ ấy ta về ở biển, buồn vui gởi lại phố xưa,hay đâu nhiều đêm bãi vắng, sóng xô buồn tới bao giờ”
6- THƠ TỰ DO, SỰ TUNG HOÀNH NGANG DỌC THOẢI MÁI CỦA CÁI TÔI HOÀI NIỆM VÀ NHỮNG CẢM XÚC LIÊN TƯỞNG ĐỘC ĐÁO CỦA THI SĨ
Thơ tự do là thể thơ Nguyễn Công Thắng ưa thích , chiếm đến 13 bài trong tập thơ NTXX , chính tính tự do dài ngắn không đều của các câu thơ, sự dàn trải kéo dài văn bản,cho phép kết hợp tính truyện với tính thơ,ít bị vướng bận bởi vần điệu ,nên nhà thơ bày tỏ được nhiều nỗi lòng và ngỏ được cõi tâm sự .
Một phần khác,thể thơ này rất phù hợp để thể hiện thế giới hoài niệm như tên bài thơ được lấy để mang nhan đề chung của tập thơ , bài “Ngồi thấy xa xăm “ dưới đây . Bài thơ này rất dài chiếm đến 5 trang giấy và chia làm 14 khổ thơ . Có thể nói đây là bài thơ hay và để đời của Nguyễn Công Thắng, nó vừa mang tính kép: cảm xúc hoài niệm về thế giới tuổi thơ trong lúc tuổi đã xế chiều,kết hợp với tính chiêm nghiệm sâu xa về sự thật đời sống trong giọng điệu u hoài.
Thời gian nghệ thuật của bài thơ “Ngồi thấy xa xăm “được lồng ghép giữa hiên tại và quá khứ, nó lại gắn với không gian thiên nhiên qua ánh nhìn trẻ thơ. Nó cũng gắn kết với không gian xã hội với nhiều kiểu người gây ấn tượng cảm xúc mạnh trong tâm trí nhà thơ tuổi nhỏ như “ông già đẩy xe kem sống lưu lạc không vợ con”,”cô hàng xóm có giọng nói ngân nga”,”ông giáo già khuôn mặt khắc khổ”,”anh gù dở hơi nhảy lò cò mua vui””,anh nghệ sĩ ghi ta ốm o ca bài mùi mẫn”. Bên cạnh đó là thế giới người thân, với những hình ảnh “anh tôi tập hút thuốc, nhổ giò, cái mền đắp chung thiếu trước hụt sau”,”mẹ tôi ngồi dịu dàng đơm lại khuy nút áo bị đứt”,ba tôi ngồi gối đầu nặng trĩu gánh gia đình, gởi nỗi nhớ nhung trong ánh nhìn thiết tha vào đám mây trắng bay về cố xứ… Cấu trúc thời gian nghệ thuật bài thơ chia làm hai lớp : từ hiện tại trở về với quá khứ, với cái hình ảnh “tôi thấy” ( thật ra ,là tôi hồi nhớ, tôi hồi tưởng) , lặp lại trong 9 khổ thơ. Bên cạnh đó,lớp thời gian từ quá khứ trở về với hiện tại với cái nhìn và giọng điệu chua xót, thế giới trẻ thơ vỡ tan với cái chết, sự tàn lụi đau buồn với hình ảnh giờ một ông già ngồi lại lặng yên nhớ lại một quá khứ không xa,mang vẻ sầu muộn khác: cái thị xã miền Trung buồn hiu đêm vọng về tiếng súng với nỗi bơ vơ đám trẻ lớn lên thời chiến, cô gái hàng xóm đã trải đời , giờ như một bông hoa tàn rũ,chàng nghệ sĩ ốm o đã trở thành kẻ nát rượu, anh tôi đã chết trong chiến tranh, mẹ tôi cũng đã không còn để đơm trong bàn tay ấm chiếc nút áo đứt lìa…
Các đoạn lặp : ngồi lặng yên và xa xăm trải dài, phía sau đôi mắt mệt mỏi,phía sau sương khói, phía sau muộn phiền, tôi thấy..ở khổ 1 và khổ 12 tạo nên một kiểu nhạc điệu hồi tưởng rất hay . Cái thế giới trẻ thơ là một thế giới kỷ niệm dịu ngọt trong cuộc đời đôi khi cay đắng , phong ba. Ở thế giới đó, tụi dứa dại, và đám cây mắc cỡ cũng sống như con người với thủ pháp nhân hoá, ở thế giới đó ,cái tôi trữ tình như được vũ trụ hóa , tôi nhập vào gió, vào đám dứa dại, vào hoa mắc cỡ, vào lũ chuồn chuồn, vào những trái ổi non, vào lũ bong bóng mưa tung tăng ca hát trước hiên nhà và tâm hồn trẻ thơ nhà thơ cũng như xanh non cùng lũ ổi và ca hát cùng lũ bong bóng. Cái thế giới đẹp đẽ với con sông trong lành và tôi đang ngụp lặn, với cánh đồng mía Quảng Ngãi ngút ngàn, mùa ép mía cả đất trời thơm tho.
Dù tất cả thế giới thơ trẻ đó đã biến mất không tăm tích ,nhưng sâu thẳm trong tận đáy ký ức cái tôi nhà thơ,thế giới đẹp đẽ trẻ thơ đó vẫn hiện diện đâu đó trong cái bóng kỷ niệm thân yêu.
Bài thơ tự do “Người chơi kèn sa xô và cơn sốt đêm”, có cách dùng từ mới lạ như cơn sốt đêm, cơn sốt đỏ bầm, nỗi buồn và tiếng kèn khê khét , bức tường câm,đặc biệt cái tôi trữ tình của người thi sĩ nhập thân vào người nghệ sĩ, nhập thân vào ánh đèn màu, nhập vào tiếng kèn sa xô thổi thổn thức , quay cuồng trong đêm ngột ngạt tạo nên một không khí thơ mới lạ phảng phất kiểu thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền những năm 59, 60 của thế kỷ trước .
Mỗi bài thơ tự do của Nguyễn Công Thắng đều thể hiện một kiểu tâm trạng,một khoảnh khắc riêng của cái tôi trữ tình và có một giọng điệu riêng.
Chẳng hạn bài “ Ban mai thong thả” thể hiện một kiểu tâm trạng yên bình trong khoảnh khắc ban mai thong thả,ở cái tuổi đã lục tuần, uống với bạn bè một tách trà, trò chuyện trong tĩnh lặng, nói những lời nhẹ nhàng làm ấm lòng nhau , thay những lời ồn ào làm đau lòng nhau thuở trước.Đó là lúc tâm hồn đánh thức khóm tường vi để thấy vầng sáng ấm khuôn mặt và linh hồn ban mai hiển hiện trong vị hương trà thơm hương núi đồi và hương tường vi trước sân, vầng sáng ấm áp trên khuôn mặt bạn bè… Tuy vậy cái thế giới bình yên , tĩnh lặng đó rất mong manh, một lúc nữa dòng đời hối hả ùa tới, cơn gió lo âu thổi qua và tất cả biến tan. Bài thơ như là một sự kêu gọi hãy trân trọng lưu giữ khoảnh khắc bình yên hạnh phúc đáng quý trước khi nó biến mất.
Mỗi bài thơ tự do của Nguyễn Công Thắng có một cái hay riêng. Bài “Có một niềm vui như thế” ghi lại khoảnh khắc bạn bè tuổi xế , tóc chớm bạc tự bao giờ,gặp gỡ nhau bên ly bia , nhắc lại một trời kỷ niệm, thời sáng trong như lá non tươi xanh tháng Giêng,nhắc lại nỗi thiết tha kỳ vọng của năm xưa , giờ thành chuyện chắp vá không đâu của người đãng trí… Cạn ly để nhớ những người bạn đã bỏ đi, những người bạn đã mất, nhắc lại chuyện giấc mơ thanh xuân, đau xót đã chưa thành hiện thực , để chỉ cười, để chỉ thương nhau , để thấy một ngày quá vui bên nhau ngật ngưỡng nhưng vẫn thấy nhói lòng . Các điệp ngữ “thôi,cạn ly này để nhớ mình có một thời như thế”, hoặc lặp đi lặp lại câu “một ngày vui đến nhói lòng” tạo một giọng điệu xót xa khi thế giới ảo tưởng vỡ tan.
Nhiều bài thơ tự do hay như “Blues mưa”, Cà phê đêm mùa đông, “Tình khúc”, “Bài
hành năm Tuất …
Nguyễn Công Thắng cũng có những bài thơ tự do mang âm hưởng xã hội như “Khúc nguyện cầu hạn mặn”, hoặc bài mang âm hưởng giao hoà với thiên nhiên bị lãng quên trong thế giới đô thị hóa như bài “Xin lỗi ,hoa dại”, hoặc mang tính triết lý như bài “Đến và đi và…”
7-
TẠM KẾT : THỂ GIỚI THƠ NGUYỄN CÔNG THẮNG- MỘT HỒN THƠ ĐỘC ĐÁO VÀ TẠO ĐƯỢC NHỮNG DƯ BA
Có thể nói dù sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Công Thắng chỉ để lại một tập thơ mỏng , chỉ 72 trang, 29 bài , nhưng đa phần là bài đọc được, một số bài khá hay , vài bài hay . Tập thơ duy nhất NTXX của ông thể hiện được một hồn thơ độc đáo với vũ trụ hoài niệm và giọng thơ trữ tình chiêm nghiệm đa cung bậc, để lại nhiều dư ba xao xuyến trong lòng người đọc và gợi mở nhiều cảm xúc , nhiều chân lý đời sống được chiêm nghiệm sâu xa.
Xưa ,Nguyễn Công Thắng thường ao ước sự nghiệp thơ ca của mình để lại “một chút gì làm tin”
Thưa vâng ,theo tôi,thơ ông đã để lại những bài thơ gan ruột cho đời với nghệ thuật thơ điêu luyện, tài hoa!
-Bửu Nam-
Những ngày đầu Xuân Quý Mão

Tất cả cảm xúc:
5252
Thầy tôi .Thương quá
Không ngờ thầy Thắng tài hoa quá. Nhớ thầy
Nhớ thầy, một thi nhân đúng nghĩa