Ngày 04/09 vừa rồi kỷ niệm 90 năm thành lập trường TH Cường Đễ, tôi có mặt ở Quy Nhơn nhưng không dự được vì bận lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường THPT Trần Cao Vân, vì tôi từng công tác ở đây. Trong Kỷ Yếu 20 năm thành lập trường có một bài viết đọc nghe chác chác. Tôi muốn mời anh em xem qua để thấy loại hình trường ngoài công lập của xứ Nẫu ta ra đời như thế nào.
KỶ NIỆM MỞ TRƯỜNG PT BÁN CÔNG QUY NHƠN
(Tựa trong Kỷ Yếu là “Kỳ Tích 20 Năm”, nhưng theo tác giả đó là tựa do biên tập đặt, không đúng ý tác giả – phieuthachba)
Trưa thứ 7, 20 tháng 5 năm 1991, sau buổi lễ bế giảng năm học thứ 2 của trường PT DL cấp 2, 3 Tuy Phước, tôi tiễn thầy Nguyễn Hữu Phiên, P. giám đốc Sở Giáo Dục Bình Định, ra về. Trên đường ra cổng, Thầy Phiên hỏi tôi:
– Nếu Sở gọi anh về Quy Nhơn mở trường bán công thì anh về không?
Hơi bất ngờ nên tôi ngần ngừ:
– Cho em suy nghĩ đã Thầy, còn ngôi trường này, phải giải quyết như thế nào?
Chúng tôi hẹn nhau sẽ trả lời chính thức vào đầu tháng sau.
* * *
Tối chủ nhật, vầng trăng trễ 17 vừa lên là lúc tôi và Phan Thanh đã sang tuần rượu thứ 5. Đã đến lúc, rượu vừa đủ ấm lòng và mềm suy nghĩ, tôi nói:
– Thầy Phiên mời mình về mở trường Bán Công, Thanh cùng đi nhé
– Thế trường trên này thì sao?
– Mình sẽ đi với điều kiện được làm việc ở 2 nơi. Được không?
– Có ai nữa không?
– Ở Quy Nhơn mình không quen nhiều. Nhìn quanh ta, có lẽ anh Ba là tốt nhất: GV dạy giỏi, có uy tín và quen biết nhiều.
– Được, cứ làm một cái gì mới đi. Em theo anh.
*
Cuối buổi chiều hè oi bức, đường vào thung lũng Phú Tài vẫn còn hơi nóng bốc lên như hun vào mặt, nhưng hình như tôi và Phan Thanh không thấy khó chịu. Phan Thanh có lẽ còn đang tâm trạng háo hức, còn tôi đang sắp xếp lý lẽ trình bày với anh Ba. Khá là khó vì anh Ba đang là cánh tay phải của Hiệu Trưởng, và là đối tượng cơ cấu, của trường PTTH Quy Nhơn 3. Nhưng tôi tin vào độ thuyết phục của ý đồ về xây dựng mô hình mới của mình.
Dĩ nhiên là phải có rượu. Ba anh em ba hoa trên trời dưới đất mấy ly. Phan Thanh có vẻ nóng ruột nhưng tôi phớt lờ, tôi đang chọn thời điểm. Và khi không khí đã giãn ra, tôi mới vào đề. Quả khó thật. Anh Ba tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Sao lại mời tôi. Tôi đang làm việc ổn định gần nhà thế này, xuống Quy Nhơn làm gì.
Tôi không có khả năng thuyết phục người khác, nhưng khả năng diễn đạt cũng không đến nỗi tồi. Sự ngỡ ngàng của anh Ba mất dần, niềm tin và sự háo hức về những ý đồ giáo dục trong mô hình mới được khơi dậy. Tôi càng trình bày, anh ấy càng đồng tình. Khi thấy anh đã có thiên hướng đồng lòng, tôi ra đòn quyết định:
– Không có anh thì tôi không thể mời các giáo viên danh tiếng về cộng tác, như thế thì không thể thực hiện được ý đồ gầy dựng mô hình mới trọn vẹn được. Nên không có anh chắc tôi không mở.
– Ông gây khó cho tôi quá. Thôi, mai trả lời. Mời.
Tôi nâng ly thầm nghĩ: Mai mốt gì nữa, ông nội ơi!
Tiệc hôm đó cực vui.
*
Không có câu trả lời nào vào ngày mai cả.
Chiều Quy Nhơn, ba chúng tôi gặp 4 anh em giáo viên: Nguyễn Ngọc Minh, Hà Ngọc Giao, Nguyễn Ngọc Tiến, Hồ Ngọc Hải.
Một người nào đó đùa: Có Bao Công, Công Tôn Sách, Triển Chiêu; lại có cả Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ thì đợi gì nữa mà không làm.
*
Sau đó là các cuộc trao đổi với lãnh đạo Sở Giáo Dục:
Lần 1, với Thầy Nguyễn Hữu Phiên: Hai bên đồng ý sẽ tiến hành mở trường. Việc “làm việc ở hai nơi” “chắc không có gì lớn”.
Lần 2, với ông Huỳnh Đăng Khanh, Giám Đốc: Nội dung như lần 1. Sở sẽ lo Cơ sở vật chất: Trường và trang thiết bị.
Lần 3, họp chính thức với Ban Giám Đốc: Trường có tên tạm: Trường PT Bán Công cấp 2, 3 Quy Nhơn. Việc “làm việc ở hai nơi” không được nhắc đến. Cơ sở có thể là trường BTVH (nay là Trường Nguyễn Thái Học) hoặc trường cán bộ quản lý (cơ sở hiện tại của trường). Cuối buổi, không biết vô tình hay theo kế hoạch, ông Mai Ái Trực, P. Chủ Tịch tỉnh đến. Ông Trực động viên tôi và hứa sẽ sẵn sàng hỗ trợ để kịp khai giảng năm học.
Lần 4, với Thầy Nguyễn Hữu Phiên: Sẽ thu xếp để sử dụng trường cán bộ quản lý. Sở cấp 2 ram giấy để in tờ rơi.
Lần 5, với Thầy Nguyễn Hữu Phiên: Lãnh đạo không đồng ý “làm việc 2 nơi”
Lần 6, với ông Huỳnh Đăng Khanh: Nhập với trường BTVH. Buổi làm việc không vui vẻ lắm. Lời lẽ hai bên thiếu thiện cảm. Tôi gằn giọng: Đã sắp tuyển sinh. Thầy phải quyết định nhanh chóng và có quan điểm, cứ rề rà thế này làm sao kịp khai giảng năm học? Hệ PT Bán công làm sao học chung cơ sở với hệ bổ túc được?
Lần 7, với Thầy Nguyễn Hữu Phiên: Mượn sảnh trường cán bộ quản lý để chiêu sinh.
Lần . . ., lần . . ., lần . . . làm việc với ông Đặng Hùng, trưởng phòng tổ chức về đội ngũ giáo viên. Kết quả: Không có ai. (Năm đầu tiên, nhà trường có hai biên chế là thầy Thái Trí Dũng và cô Phan Ly Giang, nhưng hai người này tự xin về gần ngày khai giảng).
Lần . . ., lần . . ., lần . . ., với Thầy Nguyễn Hữu Phiên: Mượn hai dãy phòng học của trường PTTH Trưng Vương, được tự tìm thuê cơ sở tạm thêm (sau đó chúng tôi thuê một dãy tầng 1 của trường Đảng tỉnh)
16 giờ chiều thứ 5 ngày 19 tháng 9 năm 1991, tôi đến P. Tổ Chức SGD gặp ông Đặng Hùng (hú hồn):
– Ngày mai trường khai giảng, tôi đã báo cáo và gửi giấy mời lên Sở cách đây một tuần.
– Tôi biết.
– Nhưng nhà trường chưa có lãnh đạo chính thức.
Ông Hùng rút ra một tờ Quyết Định khống:
– Ông họ gì nhỉ?
– Võ Thanh.
– Bậc lương bao nhiêu?
Tôi đọc tờ Quyết định thấy chức danh P. Hiệu Trưởng, tôi hỏi:
– Ai là Hiệu Trưởng vậy?
– Không có. Ông là P. Hiệu Trưởng phụ trách, lo toàn bộ công việc của trường.
– Nghĩa là tôi có quyền của một Hiệu Trưởng?
– Đúng vậy.
– Sao không ghi chức danh Q. Hiệu Trưởng?
Ông Hùng vỗ vai tôi:
– Thì có khác gì đâu? Ai vô đâu mà lo.
– !!!?
*
Diễn biến này vừa gây khó vừa làm nguội lạnh nhiệt tình của anh em mở trường. May thay, còn có xã hội, còn có anh em giáo viên trong ngành. Mọi người đón nhận thông tin về ngôi trường mới của một loại hình mới rất nhiệt tình và đầy hy vọng. Hình như một không khí mới, một làn gió mới vừa đến với ngành Giáo Dục Trung Học ở thành phố Quy Nhơn. Chúng tôi đến từng nhà các giáo viên danh tiếng của thành phố để mời dạy, ai ai cũng ủng hộ nhiệt tình, sẵn sàng tham gia. Có thể nói tất cả các giáo viên danh tiếng thời bấy giờ đều tham gia thỉnh giảng tại trường:
Văn: Trương Tham, Nguyễn văn Ba, Đỗ Em, Nguyễn Đình Thọ, Tăng Thị Vân, Cao Minh Châu . . .
Toán: Huỳnh văn Lắm, Trần Như Mật, Hoàng Công Thạnh, Đặng Dư, Mai Thành Đông . . .
Lý: Thầy Vương Quốc Tấn, Nguyễn Tự Phú, Bùi Thế Phụng, Mai Anh Dũng . . .
Hóa: Lê Đức Ái, Nguyễn Đình Vinh, Cô Nguyễn Tịnh Tâm . . .
Sinh: Nguyễn Quá, Tôn nữ Diệu Thường, Cô Hoan, Cô Nhung . . .
Tiếng Anh: Thầy Phạm Xuân Ẩn . . .
Tính cả giáo viên “cơ hữu !!!” năm đó nhà trường có 84 giáo viên.
*
Thứ 6, ngày 20 tháng 9 năm 1991 lễ khai giảng được tổ chức trang trọng tại hội trường trường Đảng tỉnh Bình Định. Học sinh ngồi đầy hội trường như những khán giả lịch thiệp. Sự tham dự của đại diện tỉnh ủy; Chủ Tịch và P. Chủ Tịch tỉnh; Giám Đốc và các phòng ban Sở Giáo Dục; đại diện BGH các trường bạn; đông đủ giáo viên thỉnh giảng, là những Thầy Cô hàng đầu thành phố, đã làm buổi lễ hoành tráng như cần có của một ngôi trường đi đầu trong việc xây dựng loại hình mới của giáo dục tỉnh nhà.
Tiếc thay . . . Trong diễn văn khai giảng, sau hồi trống khai trường tôi phải phát biểu: “Từ nay, 758 tâm hồn non dại của học sinh cùng gần 100 giáo viên, nhân viên nhà trường mong chờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo hữu quan”
Tiếc thay . . . MC Nguyễn Văn Ba, khi tóm tắt quá trình hình thành và hiện trạng của nhà trường, đã không giấu được nét phiền trách lãnh đạo cấp trên. Tôi chưa từng thấy lời giới thiệu lễ khai giảng nào sâu sắc, mạnh mẽ và man mác buồn như thế. Càng tiếc hơn là . . . anh Ba chỉ chịu đựng đến hôm ấy, bỏ hết mọi tâm huyết và công lao đã dành cho trường, về “ổn định gần nhà” ở Quy Nhơn 3. Mấy lời này xem như là sự ghi nhận những đóng góp của anh cho buổi đầu thành lập trường.
*
Sau lễ khai giảng là tọa đàm. Ý định ban đầu của nhà trường là Ban Giám Hiệu (gồm 01 P. HT phụ trách) đàm thoại với giáo viên, đặc biệt là giáo viên thỉnh giảng, về quan điểm và phương pháp làm việc của trường. Nhưng lãnh đạo tỉnh đề nghị được tham dự, do đó buổi tọa đàm chuyển đề tài thành tọa đàm về xây dựng và phát triển trường. Dù vậy, câu hỏi “trường của chúng (học sinh) đâu?” vẫn chưa có lời giải đáp.
*
Thời gian. Thời gian có khi tàn phá nhưng cũng có khi làm nên nhiều kỳ tích.
Một năm khốn khó rồi cũng trôi qua trong nỗ lực của những người yêu nghề, yêu học trò; những tốt đẹp, dù chậm chạp, rồi cũng đến. Lãnh đạo Sở đã nỗ lực thu xếp được một cơ sở tươm tất, có vị trí thuận lợi cho trường – chính là cơ sở đã tồn tại và phát triển 19 năm qua. Những bất đồng rồi cũng được san lấp. Trường, Sở chung tay xây dựng nhà trường. Một hội đồng giáo viên đúng chuẩn được đưa về.
Sự trưởng thành của nhà trường được khẳng định ngay trong năm học này với 3 dấu ấn nổi bật: Giải Nhất Hội Khỏe Phù Đỗng; hoạt động chyên môn được thanh tra Sở đánh giá là tốt, nhiều sáng tạo và sự hoạt động ổn định của một mô hình trường mới. Năm học khép lại bằng chuyến du lịch Đầm Ô Loan của Hội Đồng Giáo Viên với nhiều kỷ niệm êm đềm.
Năm học sau, một loạt trường Bán Công được mở ra ở tỉnh nhà. Đó cũng là một khẳng định nữa cho sự thành công của nhà trường. Cũng trong năm học đó, thêm một P. Hiệu Trưởng về trường – Anh Đặng Công Thuận, một P. Hiệu Trưởng hiền hòa, chăm chỉ – làm cho nhà trường thêm vững chải từ cấu trúc đến nề nếp hoạt động. Hội đồng giáo viên cũng được hoàn thiện trong năm học này: Nhiều giáo viên được tuyển thêm vào biên chế.
*
Đầu năm học 1994 – 1995, để hoàn chỉnh cơ cấu nhà trường, Sở bổ nhiệm Hiệu Trưởng – Anh Lê Đình Tạo, một lãnh đạo tài năng, ngoại giao giỏi và có uy tín trong ngành.
Cơ cấu đã vững chắc.
Hoạt động đã ổn định.
Đó là lúc tôi tạm biệt nhà trường. Buổi chia tay có vài giọt lệ và một bài thơ – của anh Tạo tặng tôi -. Bàn tay Chủ Tịch Công Đoàn Viền đưa từng vật dụng của tôi lên xe mãi mãi là một bàn tay đẹp.
*
Mười bảy năm trôi qua, tôi không ngừng theo dõi từng bước trưởng thành của trường và
mười bảy năm . . . nơi xa xôi đã có nụ cười.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 02 tháng 07 năm 2011
Ths. VÕ THANH VÂN
Niên học 96 -2000 . Là niên học cuối cùng , trường dạy cấp 2 . Em là cựu học sinh của niên khoá này
Một bài viết hay và đọc thấy có gì chua chát quá thầy Vân ơi
Cảm ơn các bạn đã đọc và đồng cảm với mình. Người Dân làm thơ hay quá, vài câu ngắn ngủi mà rầt đậm tình cảm thông.
Ống tre tráo giữa ban ngày
Vẫn cười một nụ.
Chia tay.
Thói đời !!!
Hay thật, hay thật. Bốn chữ Vẫn cười một nụ. quả làm nức lòng mình trong tương cảm tri âm.
Người đem tâm huyết đi xây
Lao tâm khổ tứ mơ ngày sáng tươi
Người trong sáng tính đười ươi
Đời gian trá thiếu tính người, Ô hay !
Ống tre tráo giữa ban ngày
Vẫn cười một nụ.
Chia tay.
Thói đời !!!
Chào Thầy Vân kính yêu! Thật tình cờ khi em gặp được Thầy ở trang web này. Thật tình em lên google search thông tin về Trường Trần Cao Vân của mình, để lấy tư liệu phục vụ cho kỷ niệm 20 năm tựu trường của lớp chúng em, dự định tổ chức vào ngày 3/8/2013 tại Qui Nhơn.
Thật bất ngờ gặp lại Thầy ở đây. Càng xúc động hơn khi đọc được những dòng tâm sự của Thầy về những ngày đầu thành lập trường đầy khó khăn.
Em học khóa 93-96. Em có học ở Trưng Vương 2 tháng, vì lúc đó Trường mình trong giai đoạn xây dựng, sửa chữa chưa xong. Lúc đó Thầy làm hiệu trưởng, thầy Thuận hiệu phó.
GVCN lớp 10: Cô Trần Thị Bích Ngọc (Dạy sinh)
GVCN lớp 11: Cô Đinh Thị Tân (Dạy GDCD)
GVCN lớp 12: Cô Nguyễn Thị Tâm (Dạy Anh Văn)
Em cũng không biết lý do vì sao Thầy ra đi, nhưng có lẽ đó là công việc và sự phân công của sở lúc bấy giờ. Em chỉ nhớ là khi Thầy Lê Đình Tạo về làm Hiệu Trưởng, lúc chào cờ Thầy có nói là Thầy Tạo về làm thay Thầy.
Đó hình như là lần cuối cùng em gặp được Thầy. Sau đó em nghe Thầy chuyển công tác vào Nam và kể từ đó em không còn biết thông tin về thầy nữa.
Vào năm 2000 khi em mới học xong ĐH, Thầy Thanh dạy toán có vào SG, em có gặp và Thầy Thanh có nói: Tuy Thầy Vân chuyển vào Nam công tác nhưng Thầy luôn theo dõi từng bước đi của Trường. Và năm nào Thầy cũng dành vài xuất học bổng dành cho Trường trong suốt bao năm qua.
Thời gian trôi qua nhanh quá! mới đó mà 20 năm trôi qua kể từ ngày em vào Trường. Em xin chúc cho Thầy cùng Gia Đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.
P/s: Ngày 3/8/2013 tới đây, lớp em tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày tựu trường và có mời Quý Thầy Cô từ những ngày thành lập trường cho đến nay. Trong đó có Thầy nhưng chúng em không có thông tin gì về Thầy. Mấy đứa trong ban liên lạc ở Qui Nhơn, dự định xuống Trường nhờ hỏi địa chỉ và số điện thoại của Thầy để gởi thư mời.
Nếu có thể được, nhờ Thầy cho dùm em địa chỉ, email hoặc số điện Thoại của Thầy để chúng em tiện liên lạc.
Rất mong nhận được sự hồi âm của Thầy.
Kính Thư!
Nguyễn Quốc Đạt
Cựu HS Trường PTTH Trần Cao Vân
Khóa 1993-1996
Email; datacacia@gmail.com
ĐT: 0902.744.696
Cảm ơn em nhiều, Nguyễn Quốc Đạt. Hình như em đã có thông tin của Thầy và kết friend trên face book. Sẽ trao đổi nhiều hơn sau. Thầy vừa recom dài lắm nhưng lâu quá không vào xunau nên quên pw, bài re đi u luôn rồi. Cảm ơn các lời chúc của em. Chúc vui khỏe
Con chào thầy Võ Thanh Vân.
Con là đệ tử của sư mẫu Diệp Lệ Bích, Hiện tại con đang ở tp.HCM , Con nghe sư mẫu giới thiệu Thầy cũng là môn đệ của Bình Thái Đạo. Nếu như thầy có thời gian con muốn được gặp thầy để hỏi thăm cũng như để biết thêm về Bình Thái Đạo ngày trước thầy đã từng học .
Kính
Chao thay
.Em la hoc sinh cu cua thay ne…
Rất tâm huyết nhưng cuối cùng buồn quá phải không thầy?
Buồn cho mình thì ít, vả cũng lâu rồi. Buồn cho ý đồ thì nhiều. Bây giờ trường ấy có khác gì trường công lập thứ cấp, chuyên dạy hs yếu? Nhưng thôi, thua keo này ta bày keo khác vậy.
Cảm ơn Minh Huy chia sẻ. Chúc vui.
Ngày xưa học đại hoc qui nhơn thỉnh thoảng em cũng có đi ngang qua trường này ở đường Trần Cao Vân đối diện chùa Long Khánh
Ngày xưa đi ngang qua đó em có mặt áo tím không? Có ghé vào cho tím cả trường không? Cảm giác của em về trường như thế nào? Ôi! Bây giờ nó như một trường công lập, đáng tiếc thật.
Chúc áo tím ngày càng tím
Trời ơi thầy cũng tiếu lâm quá
Thiếu óc hài hước thì lấy gì để sống. Nói Thầy tiếu lâm nghĩa là khen Thầy đó, Thầy rất thích. Làm mặt sắt ba mươi năm rồi. Kim Hoàng biết Thầy tế nào?
Bây giờ YD mới biết thêm được nhiều điều hay của anh phieuthachba đó . Chúc anh luôn khỏe và có nhiều niềm vui !
Cảm ơn Yến Du. Phải chi YYou tặng cho mấy câu thơ thì mới tuyệt. Chúc tâm hồn YYou mãi phong phú.
Em chỉ sợ anh chê thôi chứ em muốn tặng thơ cho anh lắm à ! hì hì …
Tôi như người khô khát nước mà. Yến thử một phen xem
Anh chờ em nhé !
Sau này anh sẽ được ghi nhớ như người mở đường cho loại hình trường bán công ở Quy Nhơn
Cảm ơn Văn Huy động viên. Đúng là những gì mình làm không bao giờ mất đi mà chỉ thể hiện dưới hình thức này hay hình tức khác mà thôi (tựa như định luật bảo toàn năng lượng vậy). Sự ghi nhận này đã thể hiện rất rõ qua hội đồng GV trường TCV và một số người trong ngành GD Bình Định
Chúc Văn Huy vui khỏe
Chao thay em la hoc sinh truong ptbc Tran Cao Van khoa dau tien em rat vui duoc gap thay o day.Gan hai chuc nam roi em van chua gap lai thay khong hieu thay co map len ti nao khong.Em hien o cali thay a. Chuc thay khoe manh ,hanh phuc
Cảm ơn em, Kim. Hồi đó em học lớp nào? Thầy có mập lên chút đỉnh
Hôm kỷ niệm 20 năm cựu hs về khá nhiều. Hiện đã có hội cựu hsTCV. Em có muốn tham gia kg? Hãy vào ws của trường: tcvquynhon.com để tìm cách liên lạc với trường và các bạn. Chúc em vui khỏe
Cảm ơn các bạn đã còm. Bạn Nguyễn Văn Hinh ơi, phiêu thạch ba là phieuthachba, Võ Thanh Vân là Võ Thanh Vân. Chẳng qua phiêu thạch ba đăng bài của Võ Thanh Vân để các bạn xem chơi thôi.
Xin thưa với mọi người: phiêu thạch ba không phải là tên, không phải bút hiệu, cũng kg phải là nick nên khi còm mọi người đừng viết hoa. Nó là gì sẽ trình với làng sau.
Bài này của Võ Thanh Vân viết đăng trong Kỷ Tập 20 Năm TCV nên phiêu thạch ba nhường lời cho Võ Thanh Vân rìcom với quý vị
Vậy mới xứng đáng được thiên hạ gọi bằng THẦY. Vào thời điểm đó làm được như vậy là quý lắm rồi.
Cảm ơn anh Nam Thi. Nói về Dũng Cảm thì anh là số MỘT. Hồi đó Vân còn trẻ nên mới táo bạo như vậy, bây giờ thì cho kẹo cũng không dám “cầm đèn chạy trước ô tô” như thế.
Chao thay Van,rat tinh co gap thay o trang web nay,thay co khoe khong ?Em nghe noi thay dang o Sai Gon?
Cảm ơn em, Vinh. Thầy vẫn như ngày nào. Không biết trước đây em học trường nào, khóa nào. Xin lỗi em, học trò nhiều khóa, chỉ thấy tên thì kg thể nhớ ra được. Đúng là Thầy phiêu lưu ở SG đã 17 năm rồi.
Xã hội mình là vậy đó đừng buồn anh ơi !
Ai buồn hỡ Phương Mai…?
Ai buồn như con chuồn chuồn
Cứ ra ngồi quán Đơn Dương tám giờ.
Tâm tình với ly cà phơ
Rít vài hơi thuốc lờ đờ….dzui thâu !
Cảm ơn Phương Mai đã chia sẻ. VTV giờ đã “có nụ cười” về ngôi trường cũ của mình. 17 năm rồi còn gì.
Galant ơi, Café Đơn Dương ở đâu vậy? Thường thì anh em gặp nhau vào ngày nào?
Anh VTV ơi !
Ngày nào cha nậu Galeng cũng ở đó (08g00 sáng). Cà phơ Đơn Dương ở đối diện số 70 đường Út Tịch, Phường 4, Quận Tân Bình. Điện “thọi” số 08.
38 456 808 (gặp chủ quán “Đon” Đài – hỏi anh Trọng ).
Tui bảo đảm : những thông tin trên “quàn tàn” chính xác ! Anh yên tâm hữ !
(Sao mình lanh chanh dữ dzậy ta ?! Giúng muội muội ghơ hè !)
Cha nậu này…tui nghi wé ! Ông làm NHÀ TÀI TRỢ CHÍNH cho ĐƠN DƯƠNG COFFEE hữ ??? Hay KHÁCH…RUỘT-KHÁCH…RÀ ? Khừa khừa khừa….
…”Cho anh ly cà phơ đá , “Đon” Đài ui !” Hè hè hè …
Bây giờ mới biết anh Phiêu Thạch Ba ngày xưa là hiệu phó trường bán công TCV.
Cảm ơn anh phieu thach ba đã gửi bài . Hy vọng sẽ sớm nhận được những bài thơ tình đậm chất nẫu của anh
Cảm ơn Sáu Nẫu đã nể phieuthachba mà đăng bài của mình